Tôi muốn nói đến “đứa con tinh thần” của mình sinh ra vào năm 1979, thế kỷ trước. Đó là bài hát thiếu nhi rất ngắn chỉ sáu câu, có nhan đề là “Trái đất này của chúng em”, theo lời thơ của Định Hải, nhưng thường được mọi người quen gọi là bài “Trái đất này là của chúng mình” như câu mở đầu của bài hát.
Đầu năm 1979, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức UNICEF của Liên hiệp quốc, Ủy ban Năm quốc tế thiếu nhi Việt Nam phát động cuộc thi các bài hát mới cho trẻ em, nhằm nói lên tình cảm đẹp đẽ, trong sáng đối với thiếu nhi trong nước và toàn thế giới, ca ngợi những ước mơ cao đẹp, tình cảm tha thiết của các em mong muốn được sống trong hòa bình, yêu thương…
Cuộc thi gồm có hai phần: thi viết lời bài hát và thi phổ nhạc lời trúng giải. Trong phần một, Ban tổ chức nhận được hàng trăm lời bài hát dự thi của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo… và cả nhạc sĩ.
Ban giám khảo làm việc dưới chỉ đạo của Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Xuân Khoát – cũng là Chủ tịch Ban giám khảo. Ban này làm việc có sự giám sát của luật sư Đỗ Xuân Sảng. Kết quả phần một là hai lời bài hát được chọn: “Trái đất này của chúng em” của Định Hải, công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội và “Việt Nam, bầu trời này, mặt đất này” của Diệp Minh Tuyền, công tác tại Tuần báo Văn Nghệ, TPHCM.
Ban tổ chức công bố hai lời bài hát đó trên các phương tiện thông tin đại chúng và mời các nhạc sĩ cả nước phổ nhạc đúng nguyên văn lời ca đã công bố và không được phỏng ý.
Khi đọc được hai lời bài hát được chọn thì tôi rất mừng và quyết định chọn bài “Trái đất này của chúng em” để phổ nhạc. Cuối cùng rồi cũng hoàn thành sáng tác một bài hát nhỏ. Hứng chí, ngoài bài chính có giọng “đô trưởng” – là bài đang lưu hành – tôi còn phổ nhạc theo một cách khác có giọng “đô thứ”, rồi gửi cả hai đi dự thi.
Sau mấy tháng hồi hộp chờ đợi, một buổi sáng đầu tháng 7-1979, chợt nghe trong bản tin thời sự của Đài Tiếng nói VN báo tin kết quả cuộc thi quốc tế sáng tác các bài hát mới cho thiếu nhi, trong đó tôi có một bài đạt giải xuất sắc và một bài đạt giải A. Không thể diễn tả được nỗi xúc động dâng trào trong lòng tôi khi đó. Báo chí đăng cụ thể kết quả cho biết Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được từ 415 tác giả của 679 bài phổ nhạc hai bản lời ca “Trái đất này của chúng em” của Định Hải và “Việt Nam, bầu trời này, mặt đất này” của Diệp Minh Tuyền.
Tại TPHCM, bài hát “Trái đất này của chúng em” lần đầu tiên được các em nhỏ Nhà thiếu nhi thành phố trình diễn khá rôm rả. Phần dựng ca do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đảm nhiệm, phần múa do NSND Thái Ly biên đạo. Các em thiếu nhi hóa trang thành nhiều dân tộc trên thế giới ở các lục địa Á, Âu, Mỹ, Úc, Phi. Rồi từ đó bài hát “Trái đất này của chúng em” đến với các em nhỏ trên khắp mọi miền đất nước.
Năm 2002, tại Trung Quốc có tổ chức Liên hoan hợp xướng quốc tế, đoàn Cung thiếu nhi Hà Nội tham dự với bài hợp xướng “Trái đất này của chúng em” với hai thứ tiếng Việt Nam và tiếng Hoa, được hoan nghênh nhiệt liệt...
Cuối năm 2008, tôi bỗng nhận được thư điện tử từ Canada của một vị trong Ban tổ chức Whitehorse Heritage, một lễ hội hàng năm của các cộng đồng 31 dân tộc định cư tại Yukon đề nghị cho phép dùng bài hát “Trái đất này của chúng em” làm bài nhạc chủ đề của lễ hội.
Từ đầu năm 2009 đến nay tôi liên tiếp nhận được các bản dịch bài này bằng tiếng Anh của Karen Walker, tiếng Pháp của Christianne Biosjoly, tiếng Hoa của Qui Xia He – Jou Tou dự kiến sẽ biểu diễn trong lễ hội vào cuối tháng 6-2009 này. Đây là một niềm vui nữa đến với tác giả bài hát “Trái đất này của chúng em”.
Trương Quang Lục-SGGP