Trong những ngày này, TPHCM đang bước vào chiến dịch tiêm vaccine thần tốc để mọi người dân đủ điều kiện đều được tiêm, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể.
Cho dù phải sau khoảng 1,5 tháng vaccine mới đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa nhưng sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine, công tác chống dịch của TPHCM sẽ có những bước chuyển mang tính quyết định.
Thứ nhất, sức ép lên hệ thống điều trị sẽ dần giảm bớt khi những người đã tiêm vaccine được bảo vệ tốt hơn, dù nhiễm COVID-19 thì các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn. Cùng với việc thiết lập thêm các bệnh viện hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng, TPHCM sẽ đáp ứng tốt hơn công tác điều trị bệnh nhân nặng nhằm hạn chế tối đa số ca tử vong.
Thứ hai, tiêm vaccine kết hợp với kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 14 ngày sẽ góp phần thực hiện tốt nhất mục tiêu chặn đứt nguồn lây của virus SARS-CoV-2 tại TPHCM và dập dịch hiệu quả.
Những vùng còn an toàn (vùng xanh) của TPHCM sẽ được củng cố vững chắc hơn nữa. Lực lượng chống dịch, cơ sở vật chất sẽ chuyển sang hỗ trợ cho công tác tầm soát, từng bước làm sạch các vùng nguy cơ cao, rất cao; cũng như bảo đảm tốt hơn công tác chăm lo đời sống, sức khỏe cho người dân Thành phố.
Song song với đó, việc triển khai tiêm vaccine tại các tỉnh, thành phố phía nam, đặc biệt là xung quanh TPHCM, kết hợp với các biện pháp chống dịch quyết liệt hiện nay để khống chế hoàn toàn dịch bệnh, từ đó hình thành “hậu phương” vững chắc chi viện nhân lực, vật lực cho TPHCM.
Thứ ba, sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine, toàn địa bàn TPHCM sẽ tiếp tục phải khoanh chặt, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào bởi sau khi tiêm vaccine khoảng 1,5 tháng thì mới có tác dụng bảo vệ cao nhất.
Tuy nhiên, bên trong Thành phố, có thể dần từng bước xây dựng phương án tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại… của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sau khi người dân được tiêm vaccine.
Với quyết tâm cao nhất, TPHCM đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đến tháng 8/2021 tiêm cho hơn 70% người dân.
Với 1.200 đội tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đạt 200 mũi tiêm/ngày/đội tiêm, tương đương công suất tiêm đạt tối đa 240.000 người/ngày. TPHCM sẽ huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế Nhà nước, tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành, lực lượng y tế đã về hưu đủ sức khỏe, chuyên môn và tình nguyện tham gia chiến dịch.
Nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư bên cạnh các cơ sở tiêm chủng cố định (bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng khác).
Thành phố không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Việc thông báo thời gian theo khung giờ và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ, tránh tập trung đông người tại một thời điểm. Người dân trong các khu phong tỏa cũng sẽ được tiêm chủng trong chiến dịch lần này.
Được tiêm vaccine sớm và đi làm trở lại, có thu nhập cũng chính là điều kiện tiên quyết để người lao động ngoại tỉnh ở lại Thành phố, không tìm đường về quê.
Điều quan trọng và cấp thiết lúc này là phải có đủ nguồn vaccine để đáp ứng được tiến độ, kế hoạch tiêm mà TPHCM đặt ra.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... Từng liều vaccine lúc này đều rất quý giá, góp phần cứu sống được người.
Còn nhớ, tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ngày 10/7, người đứng đầu Chính phủ đã bày tỏ: Tôi đã cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này vaccine chưa có nhiều, hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán, thể hiện tình đồng chí, đồng bào nồng nhiệt, ấm cúng, tình cảm tương thân tương ái của dân tộc ta. Đó là lý do tại sao những lô vaccine tháng trước (tháng 6/2021) đã được tập trung cho công nhân và nhân dân vùng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang. Và mấy hôm nay, vaccine được tập trung chuyển về tiêm cho nhân dân TPHCM và một số tỉnh ở phía nam.
Tính đến ngày 31/7, TPHCM đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, cùng với đó là 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm trong hợp đồng 5 triệu liều do công ty Sapharco mua. Như vậy đến nay TPHCM đã có 4 triệu liều vaccine là những loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép đưa vào sử dụng khẩn cấp, đã được Bộ Y tế kiểm định về hiệu lực, hiệu quả bảo vệ.
Thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng cho tất cả người dân sẽ tạo bước ngoặt quyết định để TPHCM từng bước khống chế, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là lúc mỗi người dân cần bỏ tâm lý lựa chọn, tiêm ngay càng sớm càng tốt, không chỉ bảo vệ cho bản thân mà còn đóng góp cho cộng đồng để tạo nên miễn dịch cộng đồng./.
Theo chinhphu.vn