Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 là cơ hội tốt để Việt Nam thúc đẩy hợp tác về tự do hóa thương mại, đầu tư cũng như tạo thuận lợi cho môi trường hợp tác về kinh tế, kỹ thuật...
Đây là nhận định của bài viết trên trang mạng Iapsdialogue.org của Anh nhận định về sự kiện vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Trong hai năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi tích cực với mức tăng trưởng trung bình hơn 6% nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, giá cả hàng hóa tăng và sản xuất theo định hướng xuất khẩu.
Với nhiệm vụ ngăn chặn đà suy thoái, giảm nghèo và đa dạng hóa các đối tác hợp tác trên thế giới, Việt Nam cần nhiều động lực để duy trì nền kinh tế phát triển có hiệu quả.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) là những gì mà Việt Nam đang tìm kiếm để thúc đẩy nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu.
Theo bài viết, mặc dù APEC không được coi là một FTA chính thức, nhưng diễn đàn này đã đi một chặng đường dài để thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nền kinh tế thành viên.
Kể từ khi ra đời năm 1989 đến nay, APEC đã mở rộng các hoạt động thể chế của mình dựa trên cơ chế tư vấn ở cấp cơ sở và cấp bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các giá trị và lợi ích chung.
Do đó, APEC 2017 là cơ hội tốt cho Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong vấn đề tự do hóa thương mại, đầu tư cũng như tạo thuận lợi cho môi trường hợp tác về kinh tế, kỹ thuật, tương tự như những gì đã được thông qua tại Chương trình Hành động Osaka năm 1995.
Việt Nam có thể tận dụng vai trò là nước chủ nhà APEC 2017 để thúc đẩy định hướng chính sách đối ngoại từ “một bên tham gia” thành “tham gia tích cực” vào các thể chế đa phương.
Bài báo cho rằng Hội nghị Cấp cao APEC 2017 mang tới nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Trước hết, đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trên thế giới, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, APEC 2017 cũng tạo cơ hội cho các nền kinh tế thành viên tổ chức các hội nghị song phương riêng biệt để thảo luận các chủ đề không có trong nội dung chương trình nghị sự của APEC. Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác với các nhà lãnh đạo chủ chốt của APEC.
Thứ ba, Việt Nam cũng có thể tận dụng vai trò là Chủ tịch APEC 2017 để thúc đẩy chương trình nghị sự về kinh tế, chính trị và an ninh.
Thứ tư, chương trình nghị sự của APEC 2017 về vấn đề đầu tư và tự do hóa thương mại cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Cuối cùng, APEC là một động lực để Việt Nam cải cách, thúc đẩy sự thay đổi sâu rộng về thể chế.
Là diễn đàn đại diện cho 39% dân số thế giới, đóng góp 57% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 49% thương mại thế giới, APEC có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như sức mạnh và sự thịnh vượng của mỗi nền kinh tế thành viên.
Tuần lễ Cấp cao APEC vừa diễn ra thành công tại Đà Nẵng, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã phản ánh quan tâm chung cùa các nền kinh tế thành viên APEC tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế.
Theo giới quan sát, việc tổ chức thành công sự kiện quan trọng này đã củng cố hơn nữa hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế./.
(TTXVN)