Hội thảo trao đổi kinh nghiệm quản lý viên chức và quản lý chính quyền địa phương Việt Nam – Lào đã được Bộ Nội vụ hai nước tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam và Lào, cán bộ, công chức hai Bộ và Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Lào tại Việt Nam May Khăm-khưa.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ Việt Nam và Lào có mối quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều năm. Thời gian qua, hai cơ quan đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi kinh nghiệm trong quản lý hành chính nhà nước. Thông qua đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước hai bên giao phó, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó truyền thống giữa hai nước.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, công tác quản lý viên chức và quản lý chính quyền địa phương, là một trong những trọng tâm cải cách hành chính ở Việt Nam và Lào. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Nội vụ triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức 2010 và một số vấn đề quan trọng trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo đó, phân cấp, phân quyền rõ cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý viên chức; thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới...; hay vấn đề phân công, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; những đặc thù của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo...; công tác xây dựng kiến thức năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương các cấp.
Hội thảo lần này là dịp để hai Bộ chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng các văn bản pháp quy, phương pháp quản lý viên chức và quản lý chính quyền địa phương; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho công chức các cấp chính quyền địa phương... với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác quản lý viên chức và quản lý chính quyền địa phương hai nước Việt Nam và Lào.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào Khăm-mặn Xủn-vi-lợt nhìn nhận, Đảng và Chính phủ hai nước luôn quan tâm và coi trọng công tác quản lý cán bộ, công chức và quản lý chính quyền địa phương, đây là yếu tố thúc đẩy đất nước phát triển thịnh vượng, vì chính quyền địa phương được coi là nhân tố nền tảng cho việc phát triển đất nước, cán bộ, công chức là nguồn vốn quan trọng và rất cần thiết, đồng thời là người quyết định đường hướng phát triển của quốc gia, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ. Tại Lào, thời gian qua, công tác quản lý viên chức và chính quyền địa phương được củng cố, từng bước cải thiện, đưa việc quản lý vào nề nếp và thống nhất trong phạm vi toàn quốc, tạo điều kiện cho các cấp trong việc lập kế hoạch, điều hành quản lý tập trung và hiệu quả thời gian qua.
Tại Hội thảo, hai bên đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung về chế độ công chức, viên chức; phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; việc tổ chức chính quyền địa phương... Nhiều ý kiến chung nhận định chế độ pháp lý về công chức, viên chức của Việt Nam – Lào có những nét tương đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho hay, Việt Nam phân biệt rõ ràng giữa đối tượng là cán bộ, công chức và đối tượng là viên chức. Đội ngũ cán bộ được điều chỉnh gắn với tiêu chí bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ. Công chức gắn với tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, đây là đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước, điều này phân biệt với viên chức là gắn với tiêu chí tuyển dụng theo vị trí việc làm và theo chế độ hợp đồng làm việc. Đội ngũ cán bộ, công chức hiện 100% do Nhà nước chi trả còn viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Có sự liên thông trong công tác cán bộ, công chức có thể chuyển sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập và trở thành viên chức, nhưng nếu có nhu cầu điều động trở lại vẫn chuyển thành công chức.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, tại Việt Nam, Đảng quản lý toàn diện và lãnh đạo công tác cán bộ. Luật quy định rõ, cán bộ được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ một chức danh hoặc chức vụ theo nhiệm kỳ trong hệ thống chính trị, hết nhiệm kỳ, bầu không trúng là nghỉ. Còn công chức là tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch hoặc một chức vụ, chức danh trong hệ thống chính trị - một chế độ chức nghiệp, biên chế suốt đời. Cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị không phân biệt công chức bên nhà nước và bên tổ chức chính trị - xã hội. Viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng, hưởng lương từ quỹ lương do đơn vị sự nghiệp chi trả.
Về phía Lào, Vụ trưởng Vụ Quản lý công chức (Bộ Nội vụ Lào) Sụ-văn-ny Lặt-tạ-nạ-vông cho biết, nước này hiện có trên 184.000 cán bộ, công chức, bao gồm cả công chức y bác sỹ, công chức giáo viên. Tuy nhiên, Lào chưa có sự phân biệt rõ giữa cán bộ, công chức và viên chức, đây là điều nước này cần nghiên cứu, tìm hiểu ở Việt Nam.
Ngoài số biên chế công chức của các bộ, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương được Chính phủ Lào phê duyệt, một số ngành được nhận cán bộ theo hợp đồng vào một số vị trí việc làm cần thiết. Từ năm 2000 – 2003, Chính phủ đã cho phép một số ngành được tuyển cán bộ theo hợp đồng (tương lai sẽ là viên chức giống như Việt Nam) để nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ. Số lượng này tương đối nhiều, trong đó có cả số mà Chính phủ phải trả phí nhân công, ngành liên quan tự chi trả và có cán bộ tình nguyện (không phải trả phí). Từ năm 2004, Chính phủ Lào đã dừng, không cho phép tăng số cán bộ theo hợp đồng, hiện có hơn 23.900 người là giáo viên tình nguyện đang chờ được là công chức.
Giới thiệu khái quát về tổ chức chính quyền địa phương ba cấp (tỉnh, huyện, xã) ở Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, HĐND, UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Chế định chính quyền địa phương theo Hiến pháp 2013 đã có sự phát triển mới khi quy định linh hoạt về đơn vị hành chính. Hiến pháp không quy định áp dụng thống nhất một loại mô hình cho toàn quốc mà được tổ chức dựa trên cơ sở đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Theo ông Phan Văn Hùng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung nhằm cải cách chính quyền địa phương, cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp như tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường cải cách hành chính, đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện Việt Nam đang tiến hành nhập và khuyến khích nhập huyện, xã, không cho tăng đơn vị hành chính cấp xã, quy định tiêu chuẩn rất cao đối với các đơn vị hành chính để bảo đảm giữ ổn định và giảm đơn vị hành chính các cấp. Trung ương cho phép chủ trương tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội./.
Chu Thanh Vân /TTXVN