Chủ Nhật, 13/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 15/9/2008 22:3'(GMT+7)

Trao giải và khai mạc Triển lãm ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng”

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và cắt băng khai mạc triển lãm

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và cắt băng khai mạc triển lãm

Sáng nay (15/9), tại Hà Nội diễn ra Lễ trao giải và khai mạc Triển lãm ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” lần thứ nhất do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với hãng Nokia tổ chức nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của TTXVN.


Sau 1 năm phát động từ 15/9/2007 - 15/9/2008, Ban tổ chức đã nhận được 3.129 tác phẩm dự thi (trong đó có 83 nhóm ảnh) của 409 tác giả. Qua hai vòng sơ khảo và chung khảo đã chọn được các tác phẩm để trao 1 giải đặc biệt; 2 giải nhất (1 ảnh đơn và 1 nhóm ảnh); 3 giải nhì; 6 giải ba và 9 giải khuyến khích và trên 100 tác phẩm để triển lãm.


Ông Trần Mai Hưởng, Phó Tổng giám đốc TTXVN, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, để ảnh báo chí phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự nhất, được quan tâm nhất trong đời sống xã hội, thật sự là lịch sử đất nước được ghi lại bằng ống kính, Ban giám khảo đã đưa tiêu chí chân thực lên hàng đầu. Mọi việc sử dụng kỹ xảo dẫn đến bóp méo, làm sai lệch nội dung chân thực của hình ảnh đều bị loại bỏ. Ban tổ chức muốn có những bức ảnh chân thực, sinh động, thật sự mang tính báo chí, phản ánh được con người, sử kiện trong những khoảnh khắc điển hình. Chính vì vậy những “khoảng khắc vàng” đã lôi cuốn chúng ta, giúp cảm nhận được không khí thời sự của những vấn đề, những hình ảnh mà tác giả đã ghi lại qua ống kính.


Ông Trần Mai Hưởng nhấn mạnh: Tác phẩm dự thi Giải ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” lần thứ nhất đã đi đúng hướng mà Ban tổ chức cuộc thi đặt ra. Sự thật của cuộc sống được phản ánh đa dạng, trong bức tranh xã hội đầy biến động. Người cầm máy chỉ có đi vào cuộc sống mới có thể có được những tác phẩm chân thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng.

Giải nhất cho tác phẩm “Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài” của tác giả Lê Hoài Phương chụp ở Bình Thuận lại thể hiện một khía cạnh khác của ảnh báo chí. Bộ ảnh này thể hiện sự dũng cảm, kiên trì theo đuổi vấn đề bảo vệ môi trưởng mà tác giả quan tâm. Nó cũng nói lên sự hiểu biết của tác giả về sự kiện mà anh theo đuổi, sự nghiên cứu đối tượng chụp một cách kỹ lưỡng và bản lĩnh của người cầm máy trong các vấn đề thời sự. 


Trong số các tác phẩm ảnh dự thi và trưng bày tại triển lãm, những bức ảnh của phóng sự ảnh “Tùng Chỉn, dâu bể một giờ” của hai tác giả: Xuân Trường – Thông Thiện (đoạt giải đặc biệt) đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc đối với Ban giám khảo cũng như người xem. Những bức ảnh đã kịp thời phản ánh sự tàn phá khốc liệt của trận lũ quét ngày 8/8/2008 chỉ trong phút chốc đã xoá sạch bản Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, khiến nơi ở và sinh sống của gần 200 đồng bào dân tộc Dao chỉ còn lại bãi đá vụn. Bộ ảnh để lại nhiều suy ngẫm về trách nhiệm của con người trước thảm hoạ thiên nhiên, để làm sao không còn xảy ra những Tùng Chỉn 1 nữa. Những bức ảnh thể hiện sự quên mình của các phóng viên khi đến với sự kiện.



Tác phẩm “Cháu Huyền Thương kể chuyện Bác Hồ” của tác giả Lan Xuân (Nghệ An) bám sát đề tài thời sự. Những giọt nước mắt của cháu khi kể lại những giây phút cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa đã gây xúc động cho nhiều người…


Phóng viên Thông Thiện, hiện đang làm việc ở tờ Tạp chí Văn học nghệ thuật Lào Cai - đồng tác giả phóng sự ảnh “Tùng Chỉn, dâu bể một giờ” rất xúc động khi kể lại giây phút thực hiện tác phẩm này. Anh kể: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia dự thi ảnh ở cấp Trung ương. Tôi không ngờ các bức ảnh của tôi lại đoạt giải đặc biệt và gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Tôi chỉ là phóng viên viết, mới học chụp ảnh qua bạn bè được 1 năm. Khi thực hiện các bức ảnh này tôi chỉ nghĩ là chụp bằng sự cảm nhận từ trái tim… Hình ảnh làm tôi không bao giờ quên là một người mẹ không kìm được nước mắt khi kể về đứa con bị lũ cuốn trôi. Chị cứ nhắc đi nhắc lại rằng đứa con của chị năm nay lên lớp 7, học giỏi và ngoan ngoãn. Hay một bức ảnh khác chụp về một cô bé là nạn nhân cuối cùng được cứu thoát trong đợt lũ vừa qua. Em kể lại rằng: Khi lũ đến, cả gia đình em có 4 người đang nằm và bị lũ cuốn đi. Em được cứu thoát, còn bà và những người khác thì không kịp cứu… Khi chụp những bức ảnh này, tôi bị sốc mất 2 ngày mới trở lại bình thường”.



Để chộp được khoảnh khắc vàng, ông Mai Hưởng khẳng định: “Có 3 yếu tố cùng đồng thời xuất hiện, đó là cái nhìn, trí tuệ và trái tim. Cái nhìn đó là khả năng phát hiện, trí tuệ là trí thức, khả năng phân tích sự kiện, sự hiểu biết về kỹ thuật cũng như nghệ thuật nhiếp ảnh. Còn trái tim là cảm xúc của người cầm máy trước đối tượng chụp. Nếu người cầm máy hội tụ được cả ba yêu tố trên thì trong mỗi khoảnh khắc bấm máy sẽ có được nhiều “khoảnh khắc vàng” cho mình. Và chúng tôi muốn tôn vinh những khoảnh khắc ấy”.


Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 20/9./.

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất