Thứ Ba, 24/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 2/1/2015 8:42'(GMT+7)

Trên 320.000 hộ vùng đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Đạt được kết quả trên là nhờ trong năm 2014, các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần nâng mức tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013 là 9%, tương đương 113.198 tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Để kinh tế tăng trưởng, các tỉnh đầu tư 232.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, trước hết là nâng cấp, xây mới các tuyến giao thông huyết mạch kết nối của vùng, liên tỉnh, liên huyện, xã ấp gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thuận lợi, trong đó có người nghèo tham gia. Các tỉnh ưu tiên thực hiện chính sách khuyến khích nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại, phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp truyền thống đồng thời tiêu thụ hàng hóa với giá cả nông sản ổn định tạo điều kiện cho người nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập. Các tỉnh chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với lao động nghèo bằng cách mở rộng dạy các nghề công, nông nghiệp cho trên 207.000 lao động, tạo việc làm cho 387.000 người; thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; cho hộ nghèo vay tín chấp 1.616 tỷ đồng phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mua bán nhỏ. Các tỉnh cấp thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho 600.000 hộ nghèo được chăm sóc sức khỏe; thu hồi những phần đất cấp không đúng đối tượng, đất sử dụng không hiệu quả để giao cho người nghèo sản xuất; khôi phục hàng chục làng nghề vừa mở rộng sản xuất sản phẩm truyền thống vừa tạo việc làm cho lao động nghèo. Riêng các tỉnh vùng lũ, xây dựng các cụm, tuyến dân c­ư giai đoạn 2, ổn định chỗ ở cho 138.000 hộ, trong đó có 27.000 hộ nghèo.

 

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở được giao đất để làm nhà ở, được hỗ trợ bằng tiền để làm các ngành nghề hoặc để chuộc lại đất sản xuất đã chuyển nhượng, thế chấp. Cá biệt đối với một số hộ trước đây đã chuyển nhượng, thế chấp đất sản xuất, nay không còn đất, nhưng thực sự có kinh nghiệm sản xuất, có nhu cầu đất để sản xuất và được người nhận chuyển nhượng, thế chấp đồng ý cho chuộc lại đất với giá thấp hoặc vận động được bà con thân tộc nhượng bán với giá rẻ thì được nhận vốn vay theo nhu cầu (tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ). Các trường hợp nêu trên thực hiện theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng thông qua chính quyền và các tổ chức đoàn thể bình xét từ cơ sở.

 

Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thực hiện tốt 9.875 dự án nhỏ giải quyết việc làm cho gần 100.000 người nghèo. Các cấp cấp Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và một số đoàn thể khác cũng hoàn thành tốt các chương trình hỗ trợ hội viên, đoàn viên giúp nhau làm kinh tế gia đình, tạo việc làm cho phụ nữ, thanh niên nghèo. Các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ nhà ở, trợ cước, trợ giá, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo. Các giải pháp trên đã góp phần giúp hộ nghèo trong vùng có điều kiện vươn lên thoát nghèo. 

 Ông Nguyễn Phong Quang cho biết thêm: Năm 2015, đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu giảm thêm 254.000 hộ nghèo bằng cách thực hiện 2 giải pháp chính là: cho các thành phần kinh tế vay 125.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp tăng thêm 126.000 tỷ đồng so năm 2014, tạo tiền đề vật chất cơ bản giúp người dân tăng thu nhập, trong đó có người nghèo. Đồng thời thực hiện 11.000 dự án nhỏ với tổng vốn cho vay 220.000 tỷ đồng nhằm giải quyết thêm việc làm cho người lao động nghèo trong vùng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất