Trong khoảng thời gian từ ngày 26/1/1973-9/5/1975, Hungary đã cử 636 quân nhân, lính biên phòng, nhân viên dân sự và ngoại giao thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Việt Nam.
Ngày 20/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Ban liên lạc cựu chiến binh Việt Nam tại Hungary đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023) và 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022).
Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện Hội hữu nghị Hung-Việt, các hội đoàn người Việt tại Hungary, các vị khách mời là những cựu chiến binh và cán bộ người Hungary từng tham gia Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS), còn gọi là Ủy ban 4 bên, có nhiệm vụ giám sát việc thực thi Hiệp định Paris.
Cách đây gần 50 năm, ngày 27/1/1973 tại Paris (Pháp), “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, trong thời gian 4 năm 8 tháng 14 ngày (từ ngày 13/5/1968-27/1/1973).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo nhấn mạnh Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Hiệp định Paris phản ánh ý chí quật cường, đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam; là minh chứng cho thấy sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới ủng hộ mạnh mẽ.
Nhân dịp Lễ kỷ niệm, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo thay mặt Nhà nước Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành, sự tri ân sâu sắc tới những người bạn Hungary tham gia ICCS. Trong khoảng thời gian từ ngày 26/1/1973-9/5/1975, Hungary đã cử 636 quân nhân, lính biên phòng, nhân viên dân sự và ngoại giao thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Việt Nam, trong đó có 2 người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào tháng 4/1973.
Những đóng góp to lớn của những người bạn Hungary đã được Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhận và cũng chính những người cựu chiến binh, cán bộ người Hungary đã tham gia thành lập Hội hữu nghị Hung-Việt năm 1989, là cầu nối bền bỉ, nhiệt thành giữa hai nước.
Thay mặt các cựu chiến binh, cán bộ người Hungary tham gia Ủy ban 4 bên, ông Botz Laszlo, Chủ tịch Hội hữu nghị Hung-Việt và cũng là một trong những quân nhân Hungary được cử sang Việt Nam tham gia ICCS trong đợt đầu tiên vào ngày 26/1/1973, bày tỏ xúc động ôn lại kỷ niệm cách đây 50 năm khi lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội.
Ông Laszlo cho biết hình ảnh những gương mặt rạng rỡ, vui mừng cùng sự đón tiếp nồng hậu ở Hà Nội đã khiến ông yêu Việt Nam từ cái nhìn đầu tiên và đi theo ông suốt cả cuộc đời sau này.
Ông khẳng định niềm tự hào của một quân nhân Hungary cùng với tình cảm với đất nước, dân tộc Việt Nam là động lực cho toàn bộ hoạt động của ông trong những năm tháng làm nhiệm vụ ở Việt Nam.
Cũng nhân dịp này, ông Laszlo cho biết bản thân rất khâm phục tinh thần của những người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu trường kỳ giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình thực sự cho đất nước Việt Nam.
Cũng tại buổi lễ, các đại biểu và khách mời cùng ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 78 năm qua. Kể từ khi thành lập ngày 22/12/1944, Quân đội Nhân dân Việt Nam phát triển không ngừng, cùng toàn dân giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo nhấn mạnh Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris và 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là dịp ôn lại những sự kiện lịch sử, mà còn truyền tải thông điệp tôn vinh giá trị của hòa bình-độc lập, khẳng định sự đoàn kết và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam ngày nay./.
Ngọc Biên-Ngọc Long (TTXVN/Vietnam+)