Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 3/4/2013 21:34'(GMT+7)

Triển khai đồng thời nhiều biện pháp phòng, chống cúm A (H7N9)

Bộ Y tế cho biết: Theo thông báo của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế 2005 của Tổ chức Y tế thế giới, ngày 29/3/2013 phát hiện 3 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) tại Trung Quốc (1 trường hợp từ tỉnh An Huy và 2 trường hợp từ Thượng Hải), trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tất cả 3 trường hợp trên đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Phòng xét nghiệm CDC Trung Quốc xác định các trường hợp trên đều dương tính với cúm A(H7N9) có gen từ nguồn gốc gia cầm nhưng kết quả âm tính với cúm A(H3N2), A(H1N1) đại dịch, A(H5N1) và chủng mới của vi rút corona. Đây là trường hợp đầu tiên cúm A(H7N9) gây bệnh nặng trên người và chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị giám đốc Sở Y tế, Viện trưởng các Viện phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm; triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra.

Giám đốc Sở Y tế, Viện trưởng các Viện Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm tại địa phương.

* Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có công văn số 1806/BYT-DP gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương đề nghị tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiến hành điều tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, trong đó có nguyên nhân từ cúm A(H7N9), thực hiện xử lý kịp thời các ổ dịch hạn chế lây lan; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời thông báo và chia sẻ thông tin với Bộ Y tế về tình hình dịch để phối hợp triển khai các biện pháp ngăn ngừa không để dịch lây truyền sang người./.

Theo công văn khẩn số 1807/BYT-DP



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất