Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và năm 2021.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến quy trình, thủ tục và hồ sơ dự án luật. Trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, đề nghị các cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần lưu ý khắc phục các bất cập đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội chỉ ra trong công tác thực hiện Chương trình như về hoạt động tổ biên tập, ban soạn thảo, bảo đảm thực chất trong đánh giá tác động của chính sách, việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của văn bản; thực hiện tốt việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay từ khâu soạn thảo để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác. Chính vì vậy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, nghiên cứu để đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các dự án luật, pháp lệnh nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và các dự án phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong 06 tháng đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã quyết liệt hơn trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp thường xuyên hướng dẫn việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh, tổ chức cuộc họp với một số bộ nhằm đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Hiện nay các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động soạn thảo các dự án luật thuộc Chương trình năm 2021, nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng theo đúng yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động, khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch. Có dự án luật mới được bổ sung vào Chương trình năm 2020, nhưng đã được các bộ tích cực phối hợp soạn thảo để bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng: Số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Bên cạnh đó, các bộ còn phải xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 43 văn bản quy định chi tiết các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, bảo đảm đúng tiến độ; kiên quyết trả lại hồ sơ đối với các dự án, dự thảo không đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần thể hiện rõ quan điểm không đủ điều kiện trình Chính phủ và đề nghị không đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa 2 dự án luật sau vào Chương trình điều chỉnh xây dựng luật năm 2020 là dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, 2 dự án này luật này đã được Chính phủ cơ bản thông qua và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình của Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV tới đây. Hiện đang tổ chức lấy kiến nhân dân trên Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT Bộ Công an.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cũng cho biết đang chỉ đạo các cơ quan soạn thảo triển khai nghiêm túc theo Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nhất là đối với những dự án dự kiến đưa vào Kỳ họp thứ X cuối năm 2020 của Quốc hội và năm 2021./.
Theo chinhphu.vn