Sáng 27/7, tại Di tích lịch sử Chín Hầm (thành phố Huế), Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ và khai mạc triển lãm chuyên đề "76 năm - Trọn nghĩa tri ân" nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023).
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu, đoàn viên, thanh niên đã thắp nén hương thơm, dâng lên những đóa hoa tươi thắm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và tri ân sâu sắc tới các Anh hùng liệt sỹ, đồng bào yêu nước đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc và thống nhất Tổ quốc; đồng thời, nguyện ra sức phấn đấu, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của thế hệ đi trước, tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Sau buổi lễ, triển lãm chuyên đề "76 năm - Trọn nghĩa tri ân" đã được khai mạc. Với hơn 80 hình ảnh tư liệu tiêu biểu, triển lãm giúp người xem hiểu sâu sắc hơn về ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác "Đền ơn đáp nghĩa".
Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh, các hoạt động này nhằm tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách về những cống hiến, hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông đi trước, để dành độc lập, tự do cho dân tộc; đồng thời, khẳng định truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc; sự trân trọng, biết ơn và ghi công của Đảng, Nhà nước và của nhân dân đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho nền độc lập dân tộc.
Khu Di tích lịch sử Chín Hầm thuộc phường An Tây, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6 km về phía Tây Nam, dưới chân núi Thiên Thai. Khu Chín Hầm do thực dân Pháp xây dựng năm 1941 để làm kho chứa vũ khí. Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn, khu di tích này đã cải tạo trở thành những chuồng cọp giam giữ các chiến sỹ cách mạng, những người tham gia phong trào yêu nước… Đây từng là "địa ngục trần gian", ghi dấu bao ký ức đau thương, bi hùng nhưng cũng chứa đựng những dấu tích minh chứng cho tinh thần yêu nước, sức mạnh quật cường của đồng bào, chiến sỹ cách mạng. Ngày nay, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục lịch sử cho các thế hệ. Năm 1993, khu Di tích Chín Hầm đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia./.
Theo TTXVN