Triển lãm: “Hà Nội, những ngày đêm năm 1972” được tổ chức và điều phối bởi Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp) sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 11/10 đến ngày 9/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Triển lãm tái hiện những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của năm 1972, năm "bản lề" giải quyết cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với những gì mà người dân Hà Nội đã sống và trải qua, bởi chính từ những trận ném bom miền Bắc Việt Nam vào mùa xuân năm 1972 cho đến 12 ngày đêm (từ 18-12-1972 đến 29-12-1972) - quân dân Hà Nội đã lập một kỳ tích lịch sử: Bắn rơi 23 máy bay B-52, bắt sống nhiều phi công Mỹ và kết thúc bằng việc Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam từ 30/12/1972, đi đến việc ký kết Hội nghị bốn bên về “chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam” tại Pa-ri ngày 27/1/1973. Cùng đó, triển lãm cũng giới thiệu những giai đoạn của trận đánh bom theo trình tự thời gian và quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris đồng thời diễn ra.
Năm tháng qua đi, những dấu tích về cuộc trải thảm bằng bom B52 của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc Việt Nam chỉ còn lại nhà tưởng niệm ở phố Khâm Thiên, Bảo tàng chiến thắng B52 với hàng trăm bức ảnh, hiện vật, mảnh xác B52 của Mỹ, hồi ức của những nhân chứng lịch sử còn sống... Kể từ năm 1972 đến nay, kể từ chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội ngày ấy, Hà Nội hôm nay đã phát triển mạnh mẽ, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vết thương thuở trước đã hàn kín miệng... nhưng dấu ấn của năm 1972 đầy gian khó và oanh liệt ấy thì vẫn còn sâu đậm mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam nói chung, trong trái tim người Hà Nội nói riêng.
40 năm sau, cũng tại Thủ đô, Triển lãm “Hà Nội, những ngày đêm năm 1972”, với những hình ảnh, những khoảnh khắc về chiến tranh, sự tàn phá, lòng quả cảm, cùng những chiến công vang dội của quân dân Thủ đô âm vang mãi như Tổng thư ký Hội đồng hòa bình thế giới, ông Rômét Chanđra nói: Cuộc chiến tranh của các bạn Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh mới trong lịch sử, trong từ điển của tất cả các thứ tiếng. Nó có nghĩa là lòng dũng cảm tuyệt vời, lòng quyết tâm và chủ nghĩa anh hùng, nó có nghĩa là tất cả những gì mà mọi người mong muốn tìm trên thế giới này...
Các phim, ảnh tư liệu và các tài liệu của Triển lãm được cung cấp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau tại Việt Nam như: Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Phòng không-Khrông quân, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương... và nguồn tài liệu của Pháp là Viện nghe nhìn quốc gia, Cục thông tin và sản xuất nghe nhìn La Défense, Trung tâm lưu trữ Ngoại giao La Courneuve cùng với các nguồn tư liệu của tư nhân do chủ sở hữu cung cấp như ông Jean-Marc Gravier, ông Alain Wasmes, ông Nicolas Cornet, ông Chu Chí Thành,v.v..
Là một trong những đóng góp về nghiên cứu lịch sử đương đại Việt Nam, Triển lãm được tổ chức từ ý tưởng của Viện Viễn đông Bác cổ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, nhằm kỷ niệm 40 năm sự kiện Cơ quan đại diện Pháp tại Hà Nội bị ném bom, ngày 11/10/1972. Tiến sĩ Olivier Tessier cũng chính là người được vinh danh Giải thưởng Bùi Xuân Phái "Vì tình yêu Hà Nội" năm 2012. Ông là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Hoàng thành Thăng Long và cùng với quá trình nghiên cứu, niềm đam mê của ông còn là sưu tập hình ảnh Hà Nội trong nhiều thời kỳ lịch sử. Ông cũng là chủ nhân bộ sưu tập ảnh và bản đồ cổ về thành Hà Nội, giúp người xem thấy rõ một giai đoạn chuyển giao đặc biệt của đô thị Hà Nội thế kỷ XIX - XX.
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, Hội thảo: "Năm 1972 - Năm mấu chốt tháo gỡ cuộc xung đột giữa Việt Nam và Hoa Kỳ", được tổ chức và dẫn dắt bởi Olivier Tessier vào 18 giờ ngày 11/10, sẽ giúp chúng ta nhìn lại rõ hơn "ngày hôm qua" để hướng tới một tương lai tốt đẹp. Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia lịch sử Việt Nam và Pháp sẽ phân tích và nghiên cứu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, về tiến trình hòa bình và những ngày đêm ném bom vào tháng 10/1972. Hội thảo có sự tham gia của TS Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và TS Sử học Pierre Journoud./.
TM