Thứ Sáu, 11/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 26/10/2011 20:39'(GMT+7)

Triều cường đe dọa nghiêm trọng nhiều tỉnh ĐBSCL

Nhiều tuyến đường nông thôn đã ngập trong nước lũ.

Nhiều tuyến đường nông thôn đã ngập trong nước lũ.

Trong những ngày qua, lũ đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Tứ giác Long Xuyên đổ về gặp những cơn mưa lớn đã làm triều cường dâng cao gây ngập trên diện rộng ở các tỉnh hạ nguồn như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Chiều 25 và sáng 26/10, mực nước lũ trên sông Hậu tại Cần Thơ dâng lên 2,04m, vượt mức báo động 3 là 0,14m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007 là 0,01m. Triều cường sông Hậu dâng cao, gây ngập phần lớn các khu vực nội, ngoại ô quận Ninh Kiều. Tại các đường chính như đại lộ Hòa Bình, đường 30/4, 3/2, Lý Tự Trọng, nước dâng có nơi cao 0,5m làm nhiều phương tiện xe mô tô chết máy.

Tại các cồn trên sông Hậu như cồn Sơn, cồn Ấu, cồn Khương thuộc quận Bình Thủy, Ninh Kiều, triều cường uy hiếp một số tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu và tính mạng của người dân. Để đối phó với triều cường, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, vận động người dân trong khu vực chuẩn bị các phương án gia cố đê bao, kê cất tài sản…

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Ninh Kiều đang trên đường kiểm tra công tác phòng chống lũ cho biết: “Đảng ủy và UBND chỉ đạo các ban ngành đoàn thể vận động bà con khắc phục kịp thời những đoạn sạt lở, trực 24/24 để kịp thời khắc phục tràn bờ…”

Tại tỉnh Bến Tre, triều cường đã làm ảnh hưởng đến nhiều khu vực ven sông, rạch. Tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, triều cường đã dâng lên làm ngập một số tuyến đê bao ven sông. Hiện nay, chính quyền các địa phương ven sông của tỉnh Bến Tre tổ chức lực lượng trực theo dõi đỉnh triều cường để tổ chức nhân dân đối phó hữu hiệu.

Tại Tiền Giang, nước triều dâng lên làm ngập cục bộ ở một số địa phương ven sông Tiền, kênh Chợ Gạo, sông Cửa Đại, Cửa Tiểu. Một số nhà dân, vườn cây, ao cá ở các cù lao ven sông bị ngập, nhưng thiệt hại không đáng kể.

Rút kinh nghiệm từ đợt triều cường tháng 9, chính quyền và nhân dân địa phương đã có kế hoạch đối phó, trong đó tập trung cho đất vào bao cát đắp những đoạn đê xung yếu, trực canh gác các cống đập để vận hành theo hướng tích cực để chống ngập úng. Hiện, triều cường đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ dâng cao nên công tác phòng chống đang được địa phương triển khai quyết liệt.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Phòng Nông nghiệp đã lập phương án phòng chống thiên tai cho các xã. Qua đó để các xã có kế hoạch bảo vệ các công trình thủy lợi của mình, khai thông dòng chảy, đào các kênh thủy lợi để tiêu úng, hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, Chợ Gạo có nhiều công trình còn thấp, nếu kết hợp giữa triều cường và mưa cục bộ lớn sẽ ngập cục bộ. Phòng Nông nghiệp đã cảnh báo cho nhân dân, trong đó vận động người dân chuẩn bị máy bơm để thoát nước”.

Tại An Giang, nước dâng cao trong khu vực thành phố Long Xuyên và xuất hiện thêm nhiều tuyến đường mới bị ngập. Gần như các tuyến đường trong nội ô đều bị nước “bao vây”. Một số tuyến đường như: Yết Kiêu, Lê Lợi, Lê Triệu Kiết, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo... bị ngập sâu, việc đi lại gặp khó khăn. Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết: Do chịu ảnh hưởng triều cường và lượng nước từ vùng trũng Campuchia đổ về nên lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm và vẫn duy trì ở mức cao. Riêng vùng trũng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục dao động theo triều cho đến cuối tháng 10”.

Dự báo đỉnh lũ năm nay vào cuối tháng 10 sẽ lên đến 2,11- 2,15m. Nguy cơ triều cường dâng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân khu vực hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay và trong thời gian sắp tới./.

Theo VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất