Hiện nay, người cao tuổi phải chờ đến 80 tuổi mới được nhận trợ cấp xã
hội hàng tháng, trong khi đó, mức trợ cấp lại thấp chỉ 180.000
đồng/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm độ tuổi quy định nhận trợ cấp
hàng tháng và tăng mức trợ cấp để có thể hỗ trợ cho người cao tuổi
trang trải cuộc sống.
Đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo định hướng và xây dựng kế hoạch
đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi do Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội tổ chức ngày 30/6.
Mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi hiện nay được đánh giá là thấp so
với chi phí sinh hoạt, chỉ bằng 21% mức sống tối thiểu và bằng 34% mức
sống tối thiểu về lương thực thực phẩm. Để khắc phục hạn chế này, một số
địa phương đã phải sử dụng nguồn ngân sách địa phương để tăng khoản trợ
cấp hàng tháng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến sự
bất bình đẳng về mức trợ cấp dành cho người cao tuổi giữa các tỉnh,
thành phố.
Mặt khác, ông Đàm Hữu Đắc-Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cho
biết, sau 5 năm triển khai Luật Người cao tuổi, đến nay đã có gần 1,6
triệu người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, tuy nhiên vẫn
còn khoảng 5% các trường hợp người cao tuổi trên 80 tuổi chưa được
hưởng trợ cấp xã hội theo quy định.
Theo ông Đàm Hữu Đắc, một số địa phương chưa kịp thời thực hiện chính
sách bảo trợ xã hội, còn để sót đối tượng. Đặc biệt, cả nước còn hàng
chục nghìn người cao tuổi chưa được hưởng chính sách bảo trợ xã hội do
không còn giấy tờ, hồ sơ liên quan. Trong khi đó, các bộ, ngành chức
năng lại chưa hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc này. Do tuổi cao sức
yếu, nhiều người cao tuổi đã qua đời, không có cơ hội hưởng các chính
sách bảo trợ xã hội của nhà nước.
Các chính sách hỗ trợ người cao tuổi không chỉ bất cập trong thực hiện
chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng. Từ năm 2011, Chính phủ đã quy định cụ
thể về việc người cao tuổi được giảm giá ít nhất 15% khi tham gia các
phương tiện giao thông và giảm ít nhất 20% giá vé thăm quan, du lịch...
Thế nhưng sau 3 năm, những chính sách ưu đãi này cho người cao tuổi
không được nghiêm túc thực hiện. Rất ít cơ sở dịch vụ, kinh doanh không
áp dụng giảm giá cho người cao tuổi theo quy định.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Đàm Hữu Đắc-Phó Chủ tịch Hội
người cao tuổi Việt Nam, cho rằng cơ quan chủ quản, người trực tiếp
quản lý các dịch vụ giao thông, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh
chưa có trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách dành cho người
cao tuổi. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng không thanh tra, kiểm
tra để xử lý những vi phạm này.
Theo kết quả đánh giá việc thực hiện các chính sách với người cao tuổi,
công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh định kỳ hàng năm cho người
cao tuổi cũng được tổ chức rất ít. Tại nhiều địa phương ở khu vực nông
thôn, vùng sâu, vùng xa, nhiều người cao tuổi chưa bao giờ được khám sức
khỏe định kỳ. Các đại biểu kiến nghị cần phải chú trọng tới chăm sóc
sức khỏe cho người cao tuổi hơn nữa./.
(Vietnam+)