Theo kết quả khảo sát 73 chuyên gia kinh tế mới đây của Reuters, biện pháp trên sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, đồng thời đối phó với các thách thức trong và ngoài nước.
Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng GDP Trung Quốc ước đạt 6,6% vào năm 2018 và 6,3% vào 2019. Các con số này không thay đổi so với dự báo của các chuyên gia hồi tháng 7/2018.
Tăng trưởng kinh tế quý II/2018 của Trung Quốc đạt 6,7%. Trong quý III và IV, tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo chậm lại và lần lượt ở các mức 6,6% và 6,5%.
Các chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ổn định từ nay đến hết năm 2018 và giảm RRR khoảng 1,5 điểm phần trăm xuống còn 13% vào cuối năm 2019. Tỷ lệ RRR mà Trung Quốc đang áp dụng là 14,5%.
Ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết: “Chúng tôi thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có một số tín hiệu chậm lại nhưng năm nay tăng trưởng kinh tế nước này vẫn ổn định và vẫn hạ cánh mềm.”
Chuyên gia Morgan Stanley cho rằng, tâm điểm chú ý sẽ dồn vào liệu chính sách nào sẽ được áp dụng trong năm tới nếu áp lực gia tăng do tăng trưởng chững lại.
Trung Quốc dự kiến sẽ công bố tăng trưởng GDP quý III/2018 và số liệu kinh tế tháng 9 vào thứ 6 tuần này.
Các số liệu kinh tế Trung Quốc trước đó cho thấy, cầu trong nước đã sụt giảm với tăng trưởng đầu tư tài sản cố định thấp ở mức kỷ lục, tăng trưởng sản xuất công nghiệp mờ nhạt, còn sức tăng tiêu dùng cũng sụt giảm.
Do Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên các chính sách thương mại của Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuyển sang chính sách nới lỏng để cứu vãn tăng trưởng.
Đơn cử, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã 4 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và động thái gần đây nhất có hiệu lực vào ngày 15/10, nhằm giải phóng tiền mặt và kích thích cho vay.
Chính sách nới lỏng của Bắc Kinh còn được thể hiện qua chiến dịch giảm thiểu các rủi ro tín dụng, cam kết thúc đẩy đầu tư hạ tầng, tăng cường hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Kết quả khảo sát hoạt động sản xuất của khu vực nhà máy ở Trung Quốc cho thấy, tăng trưởng của khu vực này chững lại với các đơn hàng xuất khẩu giảm dần.
Các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại trong tương lai do động lực tăng trưởng của các công ty xuất khẩu trở nên yếu đi do các đòn thuế quan của Mỹ.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố cắt giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với khối ngân hàng, tiếp tục cắt giảm chi phí tài chính và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế đã nâng dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 của Trung Quốc từ 2,1% lên 2,2%. Năm 2019, chỉ số này được dự báo tăng lên 2,4% khi có thêm nguồn đầu tư chảy vào nước này.
Lãi suất cơ sở của Trung Quốc được dự báo không đổi ở mức 4,35% cho đến cuối năm 2019 bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tập trung kích thích các đòn bẩy chính sách tiền tệ, bao gồm lãi suất liên ngân hàng. Lần gần nhất Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh lãi suất là tháng 10/2015./.
Theo vov.vn