Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 2/10/2017 21:11'(GMT+7)

Trung Thu yêu thương ở thành Tuyên

Trẻ em Tuyên Quang được tận hưởng không khí của Tết Trung Thu từ rất sớm.

Trẻ em Tuyên Quang được tận hưởng không khí của Tết Trung Thu từ rất sớm.

Lễ khai mạc đêm Lễ hội thành Tuyên chính thức diễn ra tối 30/10, và kéo dài đến hết ngày 4/10, nhưng trẻ em ở Tuyên Quang đã được tận hưởng không khí rộn ràng, tưng bừng của lễ hội từ trước đó hàng tháng, từ khi các tổ dân phố bắt đầu làm mô hình đèn lồng. 


Để có những chiếc đèn lồng khổng lồ, rực rỡ rước đi khắp phố, thì các “nghệ nhân” không chuyên, là những người thợ cơ khí, thợ hàn xì của các tổ dân phố đã phải bắt tay vào làm khung, những người khéo tay thì tham gia cắt, dán để hoàn thiện chiếc đèn lồng, rồi tiến hành trang trí từ màu sắc, đến hệ thống đèn chiếu sáng đầy màu sắc… Công việc nhiều, nhưng không ai bảo ai, các ông bố, bà mẹ đều tự giác đoàn kết tham gia với một tinh thần hăng hái. Ngoài đóng góp tiền bạc, vật chất, những người dân trong khu dân cư còn thường xuyên có mặt chuẩn bị nước, đồ ăn và hỗ trợ những công việc cần thiết. Trẻ em ngoài giờ đến trường, cũng háo hức đến xem các ông bà, các bác, các chú làm đèn lồng, háo hức chờ đến khi đèn được làm xong. 

 

Niềm vui của trẻ em Tuyên Quang khi được đi rước đèn lồng trên phố.

Khi đèn lồng được hoàn thiện, dù chưa đến ngày hội, nhưng các tổ dân phố cùng các cha mẹ vẫn đưa đèn đi rước khắp các con phố, vừa để cho các cháu thiếu nhi tổ mình được vui chơi, vừa tự hào giới thiệu với các tổ dân phố khác về mô hình của mình. Chị Nguyễn Thị Sinh, trú tại tổ 12, phường Tân Quang cho biết, từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch đến nay, tối nào ở thành phố Tuyên Quang cũng có rước đèn lồng.


“Không cần đợi đến Trung Thu, mà cứ làm xong đèn là chúng tôi tổ chức rước đèn cho các cháu được vui Trung Thu sớm. Năm nay tổ dân phố tôi rước đèn từ ngày 2/8 âm lịch, một số tổ khác xong sớm, họ đi rước từ cuối tháng 7 âm lịch đấy”, chị Sinh vui vẻ nói. 

 

Trẻ em háo hức vui hội Trung Thu.

Hào hứng ngồi trên chiếc xe rước đèn lồng đi vòng quanh phố, em Nguyễn Thị Phương, học sinh Trường THCS Bình Thuận (TP Tuyên Quang) chia sẻ, em ở tổ 7, phường Tân Quang, năm nào, em cũng háo hức đón đợi mô hình đèn trung thu ở tổ em, và mong đến ngày được đi rước đèn. “Năm nay, tổ 7 chúng em làm đèn hình bướm và hoa hồng, đẹp lắm, từ đầu tháng 8 âm lịch, chúng em đã được đi rước đèn rồi, vui lắm. Nhiều hôm em phải cố học và làm xong bài tập từ sớm, để còn được đi rước đèn lồng”, Phương vui vẻ khoe. 


Nhìn nụ cười rạng ngời trên những gương mặt trẻ thơ khi được tham gia rước đèn lồng, đi trên khắp các đường phố, những du khách sẽ cảm nhận được tình thương yêu của những người làm cha, làm mẹ ở Tuyên Quang là tuyệt vời đến nhường nào. Họ luôn hết lòng đam mê, sáng tạo nên những mô hình đèn thật đẹp, thật ý nghĩa để cho con em mình được vui vẻ, để cho các con có một mùa Trung Thu vui vẻ, ý nghĩa, họ sẵn lòng góp công, góp của làm đèn lồng cho các con vui chơi. Họ cũng sẵn sàng đồng hành cùng các con của mình trên suốt chặng đường rước đèn lồng hàng đêm, vừa đi bộ bên cạnh xe, vừa hạnh phúc ngắm nhìn con mình ngồi trên xe rước đèn, thỉnh thoảng lại chạy theo, đưa cho con chai nước uống cho đỡ khát… Những hình ảnh ấm áp, đầy tình thương yêu của họ đã làm xúc động, cũng khiến không ít người cảm phục. 

 

Cha, mẹ, ông bà luôn đồng hành cùng các em trong suốt chặng đường rước đèn lồng hàng đêm. 

Chị Nguyễn Thu Linh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, chị lên Tuyên Quang công tác đúng dịp Trung Thu này, nên tranh thủ ra phố ngắm đèn lồng khổng lồ cho biết. Nhưng khi đến đây, chị không chỉ được ngắm những mô hình đèn lồng khổng lồ, mà còn được chứng kiến tấm lòng đầy yêu thương mà các ông bố, bà mẹ dành cho các con. “Tôi nhìn các em nhỏ cười vui rạng rỡ, chợt thấy các con tôi thiệt thòi quá, vì chúng chưa bao giờ được tham gia một lễ hội Trung Thu tuyệt vời như thế này. Mọi năm Trung Thu, tôi đều mua bánh kẹo, đồ chơi cho con, nhưng khi nhìn những hình ảnh này, tôi thấy những gì mình làm cho con quá nhỏ bé so với những ông bố, bà mẹ ở đây”, chị Linh nói.


Lễ hội thành Tuyên được bắt nguồn từ Tết trung thu năm 2004, khi nhiều gia đình ở thành phố Tuyên Quang trang trí, cắt dán hình các con thú rồi kéo dọc theo các tuyến phố để phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em. Dần dần, nhà nọ học theo nhà kia, tổ này làm theo tổ khác, rồi lan rộng đến các phường, xã trong thành phố, đến tận các huyện… Đến nay, hình thức tổ chức vui Tết Trung Thu cho trẻ em ở Tuyên Quang đang ngày càng mở rộng, tạo nên dấu ấn đặc biệt và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Tuyên Quang. Từ năm 2014, lễ hội vui Tết Trung Thu được nâng cấp thành lễ hội quy mô cấp tỉnh với tên gọi là Lễ hội thành Tuyên, một lễ hội độc đáo với những mô hình đèn Trung thu đa dạng, khổng lồ.


Không chỉ lan rộng trong tỉnh Tuyên Quang, đến nay, ở một số địa phương khác như Hà Giang, Yên Bái… các bậc cha mẹ cũng tham gia đóng góp làm các mô hình đèn lồng, để tổ chức vui Tết Trung Thu cho con em mình, có nơi còn về Tuyên Quang mua lại mô hình để về phục vụ nhu cầu con em mình sau dịp Trung thu cho đỡ thiệt thòi... 


Có thể thấy, cùng với các hoạt động quảng bá, tổ chức của Tuyên Quang, Lễ hội thành Tuyên đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Nhưng tôi lại nghĩ, có lẽ, sức lan tỏa của Lễ hội thành Tuyên không chỉ ở những chiếc đèn lồng khồng lồ rực rỡ, mà ở chính tấm lòng yêu thương con trẻ hết mực của những người cha, người mẹ ở thành Tuyên.

Phương Lan (Báo Tin Tức)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất