Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ
Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các
phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ trước ngày 1/7/2017.
Theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng
cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, trước ngày
1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc
biệt và hạng I; đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các
bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên
thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn
Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Thưa ông, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc liên thông kết
quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm đang được Bộ Y tế thực hiện
đến đâu?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Cục Quản lý khám chữa bệnh
được giao làm đầu mối triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng
xét nghiệm. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay trong tuần
tới Cục sẽ ban hành danh mục hướng dẫn áp dụng liên thông kết quả xét
nghiệm để các bệnh viện thực hiện.
Khi danh mục này được ban hành sẽ có hơn 30 bệnh viện thực hiện ngay
việc liên thông kết quả xét nghiệm. Những bệnh viện này bao gồm cả bệnh
viện công, bệnh viện tư và một số bệnh viện tỉnh đã có phòng xét nghiệm
đạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 đối với các phòng xét nghiệm y
tế.
Cụ thể, các bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt ISO 15189 như Bạch Mai,
Nhi Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Phổi
Trung ương, Chợ Rẫy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Nhi đồng 1, Viện
Pasteur TPHCM, Bệnh viện Vinmec…
Hiện nay, nước ta có khoảng 50 phòng xét nghiệm đạt chứng chỉ ISO
15189 thuộc hơn 30 bệnh viện. Thực tế, những phòng này đã có thể công
nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Các phòng xét nghiệm này thực hiện tất
cả các xét nghiệm y học trong điều trị bệnh như hóa học, huyết học, vi
sinh.
Như vậy, những bệnh viện này sẽ công nhận kết quả xét nghiệm của nhau từ 1/7?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Chúng ta cần phải phân biệt
rõ 2 mục tiêu đó là bảo đảm chất lượng điều trị của bệnh nhân và tính
tới hiệu quả chi phí. Nếu chất lượng xét nghiệm đảm bảo thì bác sĩ hoàn
toàn có thể vận dụng, nhưng không có nghĩa là máy móc, “ép” bác sĩ phải
sử dụng lại tất cả các xét nghiệm. Vì trong trường hợp bệnh nhân có diễn
biến bất thường thì vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp bác sĩ cố tình lạm dụng xét nghiệm, sẽ có quá trình kiểm
tra giám sát của Bộ Y tế. Đặc biệt, chỉ định xét nghiệm cũng còn được
giám sát qua việc liên thông kết nối dữ liệu với Bộ Y tế và cơ quan Bảo
hiểm xã hội. Điều này sẽ nhắc nhở các thầy thuốc cân nhắc khi đưa các
chỉ định xét nghiệm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ xác định danh mục những xét nghiệm có thể sử dụng lại kết quả trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài các bệnh viện trên thì các bệnh viện khác trên toàn quốc có
lộ trình thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm như nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay, Bộ Y tế đang triển
khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học. Theo Quyết
định của Chính phủ là từ 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm của
các bệnh viện hạng đặc biệt và tương đương. Hiện chúng tôi đang tích
cực thực hiện và ngay sau khi ban hành danh mục tiêu chí đánh giá là có
thể áp dụng được.
Thưa ông, trong trường hợp liên thông kết quả xét nghiệm giữa các
bệnh viện, nếu không may xảy ra rủi ro, biến cố với người bệnh thì
trách nhiệm giữa các bệnh viện này như nào?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Theo nguyên tắc, việc liên
thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên
thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian
nhất định. Bệnh viện đó chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của
bệnh viện khác mà phòng xét nghiệm của bệnh viện khác đó có mức chất
lượng tương đương hoặc cao hơn, bệnh viện xét nghiệm cho người bệnh là
nơi chịu trách về dịch vụ xét nghiệm mình thực hiện. Như vậy, độ chính
xác và độ tin cậy cũng sẽ tương đương hoặc cao hơn. Đặc biệt, trong quá
trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy
cần thiết và việc chỉ định xét nghiệm phải dựa trên tình trạng cụ thể
của người bệnh.
Theo thống kê của Cục Quản
lý khám, chữa bệnh, cả nước hiện có 1.336 bệnh viện, trong đó có 38 bệnh
viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 629 bệnh viện tuyến
huyện, 31 bệnh viện ngành... Số lượng xét nghiệm thực hiện tại các bệnh
viện liên tục tăng hơn 10%/năm, riêng năm 2016 đạt hơn 516 triệu xét
nghiệm.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cho
biết với việc liên thông các kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, ước
tính chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải làm thì trong 1 năm
có thể giảm được 4,7 triệu lượt xét nghiệm. Nếu tính mỗi xét nghiệm giá
50.000 đồng thì mỗi năm tiết kiệm được khoảng 237 tỷ đồng./.
Duy Phong