Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 9/1/2015 9:49'(GMT+7)

"Tự do báo chí phương Tây" qua đánh giá của người phương Tây


Ðến hôm nay, tự do báo chí vẫn là đề tài gây tranh cãi trong báo giới và sinh hoạt xã hội phương Tây, vì rất nhiều sự kiện xảy ra đã buộc dư luận phải quan tâm. Có hai sự kiện liên quan tới tự do báo chí ở phương Tây đang được bàn luận. Sự kiện thứ nhất là việc cuốn sách Những nhà báo bị mua chuộc - phương tiện truyền thông đại chúng đã bị các chính trị gia, các cơ quan tình báo và các nhà tài phiệt điều khiển như thế nào xuất bản năm 2014, tác giả là Tiến sĩ U-đô U-phkhốt-te (Udo Ulfkotte) làm công việc nghiên cứu tại thành phố Phơ-rây-bua (CHLB Ðức), Luân-đôn (Anh); sau đó là 17 năm liền ông viết cho tờ Frankfurt khái quát, chủ yếu với nhiệm vụ phóng viên chiến tranh; ông cũng từng giảng dạy môn quản lý an ninh tại Ðại học tổng hợp LUneburg (Ðức), đồng thời là chuyên gia ngành tình báo, ủy viên Quỹ Marshall Memoral của Hoa Kỳ, làm việc trong ban tham mưu kế hoạch của Viện Konrad-Adenau, diễn giả Học viện Liên bang về đường lối an ninh. Với nhiều chi tiết cụ thể qua việc kể ra sự kiện, nêu tên người, tên tổ chức, con số thống kê,... tác giả dựng lại mặt trái của báo chí phương Tây. Theo tác giả, tự do báo chí của phương Tây và tính đa nguyên ý kiến trong báo chí chỉ là "tự do báo chí giả tạo" và "giả tạo đa nguyên ý kiến" (ông viết bằng tiếng Ðức là: "simulierte Pressefreiheit" và "simulierte Meinungsvielfalt"). Ðây là điều người ta đã nghĩ tới, song không dám nói ra, tuy nhiên đó lại là sự thật, vì nhiều nhà báo bị mua chuộc, cơ quan tình báo "bôi trơn" để có bản tường trình theo ý muốn; thậm chí nhân viên cơ quan tình báo đến tận ban biên tập của báo, đài để tự tay viết những đoạn văn, sau đó cho phát tán qua tên tuổi của các nhà báo nổi tiếng. Ðọc cuốn sách, bạn đọc sẽ biết rõ cách gây ảnh hưởng tới hệ thống truyền thông vì mục đích tuyên truyền của một số tổ chức, thí dụ như "Cầu nối - Ðại Tây Dương" (Atlantic Bridge), thành lập năm 1952. Tổ chức này là cầu nối giữa các thế lực kinh tế, tài chính, giáo dục, đường lối quân sự giữa Hoa Kỳ với CHLB Ðức; Quỹ Marshall Ðức (German Marshall Fund), Ủy ban ba bên (trilateral Commission), Hội đồng Hoa Kỳ về Ðức (American Council on Germany),... Ðại sứ quán Mỹ từng chi tiền tài trợ cho các dự án khác nhau, nhưng thực tế chỉ phục vụ mục đích tác động tới ý kiến của công chúng Ðức.

Vì đã viết báo trong một thời gian dài và gây ảnh hưởng tốt cho Mỹ, tác giả đã được nhận "Giấy chứng nhận công dân danh dự Mỹ", tuy thế ông vẫn quyết định tiết lộ những gì ông làm trong quá khứ, bởi ông cảm thấy xấu hổ. Nhiều người đánh giá cao vì ông đã tự thú mình cũng là một trong các nhà báo bị mua chuộc. Có người lên án, gọi ông là kẻ phản bội. Nhưng có người gọi ông là "Edward Snowden E.Xnâu-đơn của báo chí phương Tây". Một số nhà báo, đặc biệt những người bị nêu tên và phê bình lên tiếng cho rằng có chi tiết không chính xác. Mạng trực tuyến Krautreporter cũng có bài phân tích, chỉ ra các điểm yếu, nhưng cũng phải công nhận, nhìn chung không phải tất cả những lời tố cáo trong sách là vô căn cứ. Việc tác giả phê phán "Giải báo chí tự do" do một hãng sản xuất thuốc lá trao tặng hằng năm là rất chính xác, vì đây là một giải kỳ dị, thực ra là hành động vụ lợi của nhà vận động hành lang. Việc chỉ trong hai tháng, cuốn sách được xuất bản ba lần cũng là điều gây ấn tượng với người quan tâm (xuất bản lần đầu tháng 9-2014, lần 2 tháng 10-2014, lần 3 cũng trong tháng 10-2014). Tuy có phản biện, phê phán, nhưng sau ba lần xuất bản chưa có cá nhân hay tổ chức nào yêu cầu tác giả hay nhà xuất bản xóa tên, hay bỏ đi chi tiết nào trong sách. Rất khác với một số trường hợp trong quá khứ, sau khi một cuốn sách được xuất bản, các vụ kiện ra tòa được tiến hành rầm rộ và nhiều cá nhân đưa ra ý kiến ngược chiều, mong tòa án gây áp lực với tác giả. Tuy nhiên, có một đoạn văn trong cuốn sách làm nhiều bạn đọc phải suy nghĩ, đó là ông kể nhà báo nổi tiếng thế giới Pi-tơ Sôn La-tua (Peter Scholl-Latur), người bạn mà ông đã nhiều lần gặp ở nhiều vùng chiến sự, trong lần gặp lại vào năm 2014, khi được hỏi kinh nghiệm sống của mình về việc phương tiện truyền thông bị giật dây và tình trạng kiểm duyệt, Pi-tơ Sôn La-tua đã cho rằng: "Paul Sethe đã nói trước đây nhiều năm, tự do báo chí là tự do phổ biến các ý kiến riêng của 200 người giàu có. Nhưng bây giờ làm gì còn 200 người, chỉ còn bốn hoặc năm người thôi"! Có thể coi ý kiến này là một đánh giá chuẩn xác về thực trạng tích tụ tư bản của báo chí phương Tây, vì khi Paul Sethe còn sống, trong tay có 200 "ông hoàng truyền thông", bây giờ số "ông hoàng" chỉ còn đếm được trên năm đầu ngón tay.

Sự kiện thứ hai không chỉ được bạn đọc mà nhiều báo, tạp chí danh tiếng và cả đài truyền hình chính thống của CHLB Ðức chú ý là việc phát hành cuốn sách Sức mạnh của ý kiến - ảnh hưởng của giới tinh hoa đến truyền thông định hướng và các nhà báo dẫn đầu - Một phân tích phê phán mạng lưới. Cuốn sách này vốn là luận án khoa học để nhận học vị tiến sĩ, đã bảo vệ thành công của tác giả là Tiến sĩ U-vơ Kh-ruy-kờ (Uwe Krueger) sinh năm 1978; trước khi trở thành nhà khoa học làm việc tại Học viện khoa học thông tin và truyền thông ứng dụng thuộc Ðại học tổng hợp Leipzig, ông từng làm việc tại Báo Nhân Dân Leipzig. Ở phương Tây, "nhà báo dẫn đầu" (Alpha-Journalist) được coi là người giữ vai trò quan trọng trong định hướng báo chí. Câu hỏi trọng tâm tác giả nêu ra trong cuốn sách là: "ý kiến" đã hình thành như thế nào? Ðể trả lời, ông nghiên cứu cách viết bài, cách phát tán của truyền thông định hướng về hoạt động của quân đội Ðức ở nước ngoài và Hội nghị an ninh thường niên ở Mu-ních. Ðây là hội nghị quốc tế của những chính trị gia, an ninh, nhà quân sự và công nghiệp chế tạo vũ khí (MSC - Munich Security Conference). Tác giả khảo sát mạng lưới của 219 nhà báo hàng đầu, 21 báo và đài thuộc loại tầm cỡ với các nhân vật quan trọng thuộc giới tinh hoa về chính trị và kinh tế. Kết quả thu được cho thấy, báo chí chính thống đưa tin, bình luận quá tốt về đường lối an ninh của Chính phủ Ðức và khối Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Ðó là điều trái ngược, vì trên thực tế phần lớn dân chúng có thái độ phản đối đường lối này. Thí dụ, một thời gian dài, trên chính trường và trên báo chí người ta nói và viết về cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan sau sự kiện 11-9-2001 theo kiểu "luẩn quẩn như chèo đò đêm", sau người ta sáng tạo ra một khái niệm để thể hiện tính tích cực là "sứ mệnh hòa bình và ổn định". Và truyền thông chính thống đồng loạt sử dụng khái niệm như chính mình sáng tạo. Tác giả còn đưa các thí dụ khác về sự im lặng, đè nén thông tin hoặc bẻ cong theo ý muốn đối với các kết quả điều tra của nhà báo mà lực lượng chính trị không mong muốn. Cụ thể, một số nhà báo đã ghi nhận được ảnh hưởng nguy hiểm của vũ khí có chứa chất u-ra-ni do lực lượng NATO sử dụng trong cuộc chiến Ban-căng. Ông Bộ trưởng quốc phòng khi đó đã thành lập "hội đồng các chuyên gia" để kiểm định cáo buộc. Người đứng đầu hội đồng là ông Thê-ô Giôm-mơ (Theo Sommer), lúc đó là Tổng biên tập tờ Thời gian (Zeit). Ông được Bộ trưởng Quốc phòng rất tin cậy, có thể vì trong quá khứ ông đã làm việc tại bộ tham mưu kế hoạch của quân đội, sau đó là ủy viên Hội đồng cơ cấu quốc phòng của chính phủ. Nửa năm sau khi thành lập, hội đồng kết luận như một lời "hủy bỏ báo động" sự việc: vũ khí có chứa chất u-ra-ni được xem là không nguy hại. Ngay sau đó, tờ Thời gian đăng tại trang nhất bài viết với cái tên ấn tượng Ðiều nhục nhã cho những kẻ đã báo động (Die Blamage der Alarmisten). Kết thúc chiến dịch, nhà báo Thê-ô Giôm-mơ nhận từ Bộ trưởng Quốc phòng huân chương Chữ thập danh dự vàng của quân đội. Trong cuốn sách, tác giả cũng nhắc đến "chiến dịch thổi phồng của phương tiện truyền thông" đã bùng nổ chung quanh sự kiện "cách mạng Cam" năm 2004 ở U-crai-na. Ông cho rằng trong "cơn say ngây ngất vì dân chủ", các phương tiện truyền thông cố ý quên đi sự hỗ trợ to lớn đối với các "nhà cách mạng U-crai-na" qua các tổ chức rõ ràng nằm trong "tầm tay" của Oa-sinh-tơn. Và hầu như các phương tiện truyền thông không đi chệch khỏi sơ đồ: một bên là ứng cử viên "tốt" thân phương Tây, một bên là ứng cử viên "xấu " thân Nga. Rồi sau đó mấy tháng, tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) đăng trên trang nhất chuyện được kể theo phong cách không phê phán: sau khi điều tra công phu với sự giúp đỡ của phía Hoa Kỳ, người ta thấy các tổ chức của Hoa Kỳ là rất vị tha vì đã mang tới cho các dân tộc bị đàn áp ở Ðông Âu "ngọn đuốc tự do", còn quyền lợi địa chính trị của Hoa Kỳ ở khu vực này thì hoàn toàn bị "tảng lờ"... Sau khi cuốn sách xuất bản, đã có một số bài viết và ý kiến phản biện, nhưng phần lớn nhà khoa học và nhiều người trong giới báo chí đã đánh giá rất cao.

Như vậy, qua hai cuốn sách nói trên, không thể nói "tự do báo chí phương Tây" là mẫu hình có thể noi theo và học tập, vì "tự do" ấy trước hết không để phục vụ lợi ích chung của xã hội, mà để đáp ứng yêu cầu của các thế lực chính trị - kinh tế đứng sau thao túng. Chính vì thế, thật là đáng ngờ trước việc một số tổ chức, cá nhân người Việt Nam trong và ngoài nước đang cổ vũ cho thứ "tự do" kể trên. Qua ý kiến và hoạt động của họ trên in-tơ-nét, có thể nói, họ đang cố tình hiểu, xuyên tạc và lợi dụng "tự do" theo ý muốn của mình để công bố các tin, bài có nội dung bịa đặt, vu khống, bôi nhọ,... chính quyền, cá nhân lãnh đạo mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật. Họ coi như thế là "tự do" chăng? Ðừng nghĩ ở phương Tây người ta sẽ bỏ qua những hành động như vậy, bởi dù tự do thế nào thì luật pháp ở phương Tây vẫn coi đó là hành vi vi phạm pháp luật và pháp luật sẽ nghiêm trị, đã có quá nhiều thí dụ về điều này, xin không phải dẫn lại.

ÐỨC THẮNG/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất