Tuy nhiên, cũng như ở các quốc gia trên thế giới vấn đề
dân chủ, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo đều phải diễn ra trong khuôn
khổ pháp luật cũng như phù hợp điều kiện phát triển kinh tế và lịch sử
truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.
Lâu nay, một số học giả phương Tây vẫn thường rêu rao chiêu bài
“quyền con người cao hơn chủ quyền” nhằm thực hiện, bao biện mục đích cá
nhân. Bên cạnh đó các thế lực thù địch cũng ra sức lợi dụng vấn đề tôn
giáo và quyền tự do tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ nước
khác, nhất là các quốc gia có thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa nhằm
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng cộng sản.
Trong âm mưu và chiến lược diễn biến hòa bình, vấn đề tôn giáo, dân
chủ nhân quyền được sử dụng như một vũ khí lợi hại, lợi dụng lòng yêu
nước, sự sùng đạo của người dân để khoét sâu những bất cập, tồn tại
trong đời sống xã hội, nhằm lôi kéo, tập hợp những người dân nhẹ dạ cả
tin hoặc thiếu thông tin gây rối, gây phức tạp về an ninh, trật tự, gây
bất ổn xã hội.
Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tôn trọng và bảo đảm quyền con
người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, xác định đây là
nhu cầu tinh thần chính đáng của người dân. Chính sách đó, luôn được
Ðảng, Nhà nước ta khẳng định và thực hiện nhất quán, được bảo đảm trên
thực tiễn và cụ thể bằng văn bản pháp luật. Tại Sắc lệnh số 234/SL ngày
14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, xác định: “Việc tự do tín ngưỡng,
tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng
hòa luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện”
(Ðiều 15) và “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo” (Ðiều
13).
Trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng, Ðảng, Nhà nước ta đã ban hành
nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm
quyền tự do tôn giáo, tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động
ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và các giáo hội
tôn giáo…
Tiêu biểu là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành
Trung ương Ðảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Pháp lệnh
21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18/6/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín
ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NÐ-CP ngày 1/3/2005 của Chính phủ
hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ
thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên
quan đến tôn giáo... Tại Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (Khoản 1, Ðiều 24). Ngày 18/ 11/ 2016 Quốc hội đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...
Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn, số lượng
chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng. Chỉ tính trong vòng 20
năm trở lại đây (2003-2022) việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín
ngưỡng, tôn giáo cho kết quả hết sức ấn tượng: Năm 2003 cả nước có 15 tổ
chức, sáu tôn giáo, 17 triệu tín đồ với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự;
34.000 chức sắc, 78.000 chức việc. Ðến năm 2021 Việt Nam đã công nhận 43
tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với hơn 26 triệu tín đồ, 54.000
chức sắc, tăng; 135.000 chức việc; 29.000 cơ sở thờ tự. Ðời sống tín
ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều lễ hội lớn trong
các tôn giáo thu hút đông đảo tín đồ, người dân tham dự.
Có thể kể đến: Giáo hội Tin lành đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 500
năm cải chánh đạo Tin lành 2017); giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội
Dòng Ða minh thế giới tại Ðồng Nai (7/2019), với đại biểu của nhiều quốc
gia và vùng lãnh thổ tham gia; Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
tổ chức thành công Ðại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc năm 2019 tại chùa
Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (5/2019) với hơn 1.650 đại biểu chức sắc và lãnh
đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh
thổ). Với quy mô hoạt động tôn giáo tập trung đông người, chính quyền
các cấp đã hỗ trợ các tôn giáo về công tác bảo đảm phân luồng giao
thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm,…
giúp người dân được tự do hành lễ, thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh.
Thực tế cho thấy, ở một số quốc gia như Anh, Mỹ, Ðan Mạch... khi tổ
chức tôn giáo tổ chức các hoạt động đông người tại cơ sở thờ tự, thường
phải tự thuê bảo vệ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, an ninh
trật tự, phòng chống cháy nổ, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Nếu để xảy
ra vi phạm, chính quyền sẽ căn cứ vào pháp luật và xử phạt… Nhưng ở Việt
Nam các tổ chức tôn giáo khi tiến hành các hoạt động tôn giáo có đông
đảo người dân tham gia, chính quyền luôn hỗ trợ với mục tiêu cao nhất
bảo đảm an toàn trật tự để nhân dân yên tâm thực hiện nghi lễ tôn giáo.
Bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí vẫn xuyên
tạc trắng trợn chính sách, pháp luật và tình hình tôn giáo tại Việt Nam;
móc nối những đối tượng cơ hội bất mãn chế độ và số chức sắc cực đoan
để kích động các hoạt động tôn giáo thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà
nước. Ðặc biệt, mỗi khi Nhà nước ban hành hoặc bổ sung những văn bản
pháp luật mới để điều chỉnh các hoạt động tôn giáo cho phù hợp với điều
kiện phát triển kinh tế, trình độ văn hóa, xã hội của đất nước, phù hợp
với tâm tư, tình cảm, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân thì các
đối tượng trên lại dấy lên chiến dịch phản đối, xuyên tạc.
Mặt khác, các thế lực thù địch và phản động lưu vong ở nước ngoài vẫn
tiếp tục cấu kết, móc nối với các đối tượng cực đoan trong tôn giáo và
đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng các vấn đề nổi cộm như đất đai, môi
trường, phòng chống dịch Covid-19... nhằm mưu đồ dụ dỗ, lôi kéo người
dân khiếu kiện, kích động gây rối, gắn vào vấn đề tôn giáo để vu cáo
Việt Nam; nhằm mưu đồ làm cho chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo hoài
nghi về chính sách của nhà nước ta.
Ðáng chú ý, trong những năm qua các đối tượng phản động, chống đối
chính trị ở ngoài nước, móc nối với một số phần tử cực đoan trong tôn
giáo cấu kết với các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Ðảng và Nhà
nước Việt Nam, tổ chức các cuộc “hội luận”, “họp báo”, soạn thảo và phát
tán các tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt để tuyên truyền chống
Ðảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực tôn giáo và nhân
quyền.
Chúng đẩy mạnh xuyên tạc Ðảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”,
Việt Nam “không có tự do tôn giáo”… Những thủ đoạn hoạt động của chúng
không chỉ âm mưu tác động vào tâm lý, tư tưởng của một bộ phận quần
chúng, tín đồ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống yên bình của nhân
dân, tác động xấu đến xã hội, gây chia rẽ nội bộ trong tổ chức tôn
giáo, gây mất đoàn kết dân tộc.
Thời gian tới, một số phần tử cực đoan trong nước vẫn sẽ tiếp tục dựa
vào các thế lực thù địch bên ngoài đẩy mạnh hoạt động chống đối dưới
chiêu bài “đòi tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” chống Ðảng, Nhà
nước ta, đòi khôi phục lại các tổ chức tôn giáo không còn tồn tại, gia
tăng các hoạt động phát triển đạo trái pháp luật, gây rối trật tự an
toàn xã hội. Do đó về phía người dân cũng như các chức sắc và tín đồ các
tôn giáo cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù
địch. Việc chủ động ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo
chống Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược lâu dài, là trách nhiệm
của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó cơ quan
quản lý nhà nước về tôn giáo đóng vai trò nòng cốt.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, bảo
đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Chính quyền các cấp
nắm chắc các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn,
kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật, kích động
chia rẽ nhân dân, chia rẽ các tôn giáo, gây rối loạn xã hội, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, xâm phạm an ninh quốc gia.
Chủ động tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại
chúng để vạch trần “chân tướng” của các đối tượng cơ hội, các việc làm
vi phạm pháp luật, giáo luật của số đối tượng cực đoan lợi dụng tôn
giáo, phản bác lại các luận điệu vu cáo của các thế lực thù địch. Các
biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Việt
Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như
sự vào cuộc của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm về những việc đã
làm được, có biện pháp khắc phục những thiếu sót tồn tại để bảo đảm
thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin
của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Thường xuyên tuyên truyền đối
ngoại để cộng đồng quốc tế có đầy đủ thông tin về kết quả, thành tựu
nhân quyền trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam, có phương pháp tiếp xúc,
vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo, có kinh nghiệm đối thoại tôn
giáo, hướng dẫn các chức sắc, tín đồ hoạt động tôn giáo và thực hiện
nghĩa vụ công dân./.