Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 26/3/2021 14:11'(GMT+7)

Từ khát vọng độc lập đến hùng cường: Nguồn sáng của khát vọng phụng sự

Đoàn viên, thanh niên chở nước miễn phí đến tận nhà người dân. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Đoàn viên, thanh niên chở nước miễn phí đến tận nhà người dân. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

“Khi em cài huy hiệu Đoàn lên ngực/Trái tim em lấp lánh một vì sao...”

Tuổi trẻ Việt Nam thời kỳ nào cũng vậy, luôn chất chứa những ước mơ và tận hiến với khát khao của chính mình.

Trong mỗi giai đoạn của lịch sử, tổ chức Đoàn lại mang cho mình một nhiệm vụ riêng nhưng luôn song hành cùng đất nước. Ai cũng có một thời tuổi trẻ. Thanh niên hôm nay chính là Tổ quốc sau này.

Lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam như hàng vạn, hàng triệu ngôi sao, càng trong đêm đen khó khăn, càng sáng rõ tâm trong, chí lớn, nuôi dưỡng hoài bão, đoàn kết xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà.

Từ khát vọng độc lập đến khát vọng hùng cường là chặng đường dài muôn trùng, có máu xương và nước mắt, có gian khó và hy sinh, để đổi mới, vươn lên, để thanh niên Việt Nam chung sức đắp xây dáng hình một non sông gấm vóc.

Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Lịch sử nước ta đã từng dành những trang chói lọi cho tuổi trẻ nước ta; tiền đồ xán lạn của dân tộc đang nằm trong tay và chờ đón tuổi trẻ nước ta."

Tuổi trẻ Việt Nam - nguồn sáng khát vọng phụng sự Tổ quốc. Khát vọng ấy tỏa sáng nơi trái tim mỗi đoàn viên thanh niên, là biểu tượng tự hào lan tỏa tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên," dù trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử.

Sáng mãi lửa nhiệt huyết

Lịch sử, truyền thống vẻ vang, hào hùng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được vun trồng bởi lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam, lớp lớp thế hệ cán bộ Đoàn các thời kỳ.

Bằng tình cảm, nhiệt huyết tuổi thanh xuân, bằng tâm sức, trí tuệ, thậm chí cả máu xương của mình, họ đã viết nên những câu chuyện đẹp, những trang sử hào hùng và truyền thống vẻ vang cho Đoàn trong suốt 90 năm, tô thắm màu xanh của Đoàn và tuổi trẻ.

Câu nói bất hủ của người anh hùng Lý Tự Trọng về con đường cách mạng của thanh niên đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Trong các giai đoạn, đã có biết bao thế hệ cán bộ Đoàn được rèn luyện, trưởng thành, trở thành thủ lĩnh thanh niên. Ngọn lửa nhiệt huyết được trao truyền từ thế hệ cán bộ Đoàn này tới thế hệ cán bộ đoàn khác.

Sinh năm 1944, là người dân tộc Tày, nguyên Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Hà Quang Dự tham gia công tác Đoàn từ năm 1964, khi còn học năm thứ nhất đại học.

Đến năm thứ hai, ông được kết nạp Đảng, được cử làm Phó Bí thư liên chi đoàn khoa, sau này được cử vào Ban Thường vụ Đoàn trường phụ trách văn hóa thể thao.

"Ngày ấy máy bay mỹ ném bom miền Bắc. Một bữa cơm của chúng tôi phải chạy một, hai lần xuống hầm, hoặc đang ăn cơm cũng phải phân công nhau chạy nhanh ra ụ pháo để tiếp đạn cho chiến sĩ phòng không bắn máy bay. Phong trào của chúng tôi lúc ấy tuy gian khổ nhưng vô cùng sôi nổi. Phong trào "Ba sẵn sàng" do Trung ương Đoàn phát động đã thấm sâu, hun đúc tinh thần phấn đấu, vươn lên vì Tổ quốc, vì cách mạng và thống nhất đất nước," ông Hà Quang Dự nhớ lại.

Chưa từng nghĩ rằng sẽ có ngày mình sẽ trở thành thủ lĩnh thanh niên, nhưng ông lại là vị Bí thư thứ Nhất đã từng nhiều lần phải đối mặt với "bão" dư luận bởi những quyết định cải cách "lịch sử" của mình.

Những năm cuối thập kỷ 80 là thời kỳ rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thuận lợi và không ít những khó khăn khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô đang khủng hoảng.

"Để giữ vững lòng tin của thanh niên đối với Đảng, với sự lãnh đạo của Đảng, lúc đó chúng tôi đã quyết định những biện pháp công tác rất mạnh để lôi kéo thanh niên về phía Đoàn, Hội Thanh niên, tự đổi mới diện mạo của Đoàn, để thanh niên thấy rằng lực lượng này sẵn sàng đổi mới, đi lên. Thời điểm đó chúng tôi đối diện với những điều hết sức khó khăn. Giai đoạn 1987-1988, số lượng kết nạp đoàn viên mới thấp hẳn xuống, buộc lòng chúng tôi phải đổi mới quyết liệt," nguyên Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn chia sẻ.

Đó là vào năm 1988, khi ông cùng Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đề nghị Nhà nước bỏ quy định phải là đoàn viên mới được vào đại học, đi hợp tác lao động nước ngoài: “Bỏ tiêu chuẩn đoàn viên vào đại học không hề dễ dàng. Nhưng chúng tôi kiên quyết làm vì nhu cầu của thanh niên và phụ huynh. Quyền đi học, đi lao động là quyền cơ bản của công dân. Nếu mình không làm, không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của thanh niên thì không tập hợp được họ..."

"Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn tổ chức ở Vũng Tàu bàn về nội dung này rất căng thẳng. Mọi người đều lo lắng sẽ bị kiểm điểm, sợ bị chụp mũ là Đoàn Thanh niên “đầu têu” bỏ tiêu chuẩn chính trị. Trong Ban Thường vụ cũng có nhiều ý kiến khác nhau, người tán thành, người phản đối,” ông Hà Quang Dự kể.

Hơn 16 giờ, thấy không khí cuộc họp căng thẳng quá, ông Hà Quang Dự quyết định nghỉ họp sớm, rồi chia Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thành hai đội bóng, đá với nhau để... "xả stress."

Đá bóng, ăn tối xong, Ban Thường vụ tiếp tục họp trong đêm. Lúc này, Ban Thường vụ nhận được sự đồng thuận, biểu quyết nhất trí cao với đề nghị bỏ tiêu chuẩn đoàn viên vào đại học, đi hợp tác lao động nước ngoài.

Đề nghị này sau khi đưa ra được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ủng hộ, song cũng nhận lại sự phản ứng quyết liệt từ nhiều phía, có ý kiến đề nghị kiểm điểm, kỷ luật Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn. Cuối cùng, đề nghị bỏ quy định "phải là đoàn viên mới được vào đại học, đi hợp tác lao động nước ngoài" đã thành công.

Nguyên Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Hà Quang Dự chỉ là một trong rất nhiều cán bộ Đoàn thời kỳ trước, tiêu biểu cho lý tưởng tình nguyện, dấn thân vào những nơi còn khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân...

Đội ngũ cán bộ Đoàn hôm nay đã ngày càng trưởng thành, là những điển hình của sự chủ động, vượt khó, sáng tạo trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh; xây dựng phong cách cán bộ Đoàn với những phẩm chất phù hợp của người thủ lĩnh thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhìn lại chặng đường đã qua, những thành quả của đất nước đều có sự đóng góp tích cực, to lớn của lớp lớp thanh niên Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn.

Suốt 90 năm, lớp lớp các thế hệ cán bộ Đoàn đã luôn chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ Đảng giao, tiên phong đến những nơi gian khó.

Dù ở thời kỳ, vùng miền, lĩnh vực nào, cán bộ Đoàn cũng luôn đoàn kết, sáng tạo, ham học hỏi, không ngừng phấn đấu vươn lên để cống hiến, để trưởng thành.

Những thế hệ cán bộ đi trước đã trở thành ngọn lửa truyền cảm hứng, nhiệt huyết giúp lớp cán bộ đi sau, đoàn viên, thanh niên củng cố niềm tin, phát huy phẩm chất, xây đắp hình ảnh người cán bộ Đoàn ngày càng đẹp hơn trong lòng đoàn viên và nhân dân.

Tuổi trẻ tận hiến vì đất nước


Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết đã từng chia sẻ: "Lý tưởng của thanh niên là phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, và cao hơn lý tưởng của thanh niên đó là lý tưởng của Đoàn. Lý tưởng của Đoàn là lý tưởng của Đảng, là cũng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định được lý tưởng thì thanh niên phải làm sao để đi đến đích đó? Lý tưởng là ngọn đèn, là kim chỉ nam hướng dẫn cho mọi hoạt động của thanh niên đi theo, nhưng để đi đến đó thì thanh niên trong từng thời kỳ, từng giai đoạn khác nhau có những phong trào, hoạt động trọng tâm để tập hợp, rèn luyện, thúc giục thanh niên thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó, đó là phong trào thanh niên."

Ngay từ khi mới ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên đã phát huy vai trò xung kích, tiên phong, với lớp lớp thế hệ đoàn viên, thanh niên chiến đấu, hy sinh để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Những năm 1930, với phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh, thế hệ đoàn viên đầu tiên đã giác ngộ, thấm nhuần sâu sắc lý tưởng của Đảng, vận động thanh niên làm cách mạng.

Trong cao trào giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên Việt Nam đã cùng toàn quân, toàn dân quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập.

Qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí thế quyết tử tòng quân giết giặc lập công, Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ cả nước đã hiến dâng cho Tổ quốc hàng chục vạn đoàn viên, thanh niên ưu tú, gần 3 triệu người tham gia bộ đội chủ lực, 5 triệu người tham gia dân quân du kích, dân công hỏa tuyến.

Tiếp đó, với tinh thần lao động hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tổ chức Đoàn đã động viên các tầng lớp thanh niên tham gia vào công cuộc cải cách ruộng đất, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, với ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do,” với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã động viên các tầng lớp thanh niên tham gia vào hai phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong,” hàng triệu đoàn viên, thanh niên đã đăng ký tình nguyện tham gia chống Mỹ cứu nước.

Phong trào "Ba sẵn sàng" và "Năm xung phong" đã đáp ứng được nhiệt huyết của thanh niên, khao khát được cống hiến trí tuệ và sức lực cho đất nước. Đoàn đã động viên thanh niên cả nước góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Khi đất nước đã được hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thanh niên Việt Nam tiếp tục là lực lượng xung kích, đi đầu trong xây dựng đất nước.

Hàng chục vạn thanh niên cũng đã gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Tuổi trẻ Việt Nam với phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng,” "Hành quân theo chân Bác," tiếp bước truyền thống của cha anh trong công cuộc đổi mới.

Nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, sức trẻ của thanh niên, phong trào Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (năm 2002) phát động đã mở ra một trang mới, tạo môi trường để thanh niên hành động, cống hiến, qua đó có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022 đã xác lập và triển khai thực hiện trong toàn Đoàn ba phong trào hành động cách mạng, ba chương trình đồng hành với thanh niên của nhiệm kỳ, gồm các phong trào: Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc; các chương trình: Đồng hành với thanh niên trong học tập, Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đồng hành với thanh niên phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.

Đến nay, tuổi trẻ cả nước đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, thể hiện rõ qua mọi mặt của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên đã đưa ra tầm nhìn phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, việc hoàn thành mục tiêu này sẽ phải có sự đóng góp to lớn của thanh niên, cụ thể là thế hệ thanh niên sinh ra trong thế kỷ 21.

"Vấn đề đặt ra là sứ mệnh lớn như vậy, thanh niên có thể thực hiện được không," ông Vũ Khoan nêu câu hỏi, đồng thời đưa ra quan điểm về "6 cặp chữ T" mà thanh niên hiện nay phải có để góp sức giúp nước nhà vươn tới đỉnh cao, cụ thể là: khát vọng-thực tế; ý chí-tiến thủ; đầu óc-thông thái; tay nghề-thành thạo; làm người-tử tế; phong trào-thiết thực.

Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn trong ASEAN, với yêu cầu tất yếu về hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, ông Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, cho rằng trong bối cảnh đó, thanh niên cần xác định là lực lượng tiên phong giong buồm ra biển lớn: "Muốn thế, cần có sự nỗ lực để có thể hoàn thiện hơn về phẩm chất của người cán bộ Đoàn và của thanh niên trong thời kỳ mới, cần có một cái đầu xám, một trái tim hồng, một tấm lòng son, có đôi bàn tay vàng và đôi bàn chân thép."

Để với sắc xanh của màu áo dưới lá cờ đỏ Tổ quốc, thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp bước cha anh, khơi nguồn cảm hứng về tư duy, hành động, sáng tạo, xung kích để đưa ngày quốc gia trở nên hùng cường mỗi lúc một gần hơn./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất