Theo Foxnews, phân tích từ nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu (GBD), các nhà khoa học sức khỏe ghi nhận xu hướng gia tăng tuổi thọ hầu như ở mọi nơi trên thế giới, trừ vùng hạ Sahara phía Nam châu Phi. Tại đây, những cái chết vì đại dịch AIDS đã cướp đi 5 năm sống trung bình so với năm 1990.
“Những bước tiến trong công cuộc đối phó với các loại bệnh và thương tật là rất đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta có thể và phải làm tốt hơn thế nhiều”, giáo sư y tế toàn cầu ĐH Washington, Christopher Murray, người dẫn đầu nghiên cứu trăn trở.
Theo giáo sư Murry, sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động và hỗ trợ tài chính cho những bệnh lây nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy, sởi, lao, HIV và sốt xuất huyết thực sự tạo ra những tác động thực tế, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong và kéo dài tuổi thọ. Dù vậy, một số bệnh mãn tính không nhận được sự chú ý đúng mức đang dần trở thành hiểm họa to lớn đe dọa tính mạng con người, đặc biệt là xơ gan mãn tính, tiểu đường và bệnh thận.
Nghiên cứu GBD của giáo sư Murray và các cộng sự, công bố trên tập san y học The Lancet, đã đưa ra những ước tính hoàn chỉnh và cập nhật nhất về con số tử vong hàng năm do 240 nguyên nhân khác nhau tại 188 nước trong 23 năm, từ 1990 đến 2013.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm phổi vẫn tiếp tục thuộc top 5 các nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính mỗi năm có gần 2 triệu trẻ dưới 59 tháng tuổi chết vì các căn bệnh này.
Đại dịch HIV/AIDS được kiềm chế với số người tử vong giảm dần so với đỉnh năm 2005. Tuy vậy, đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây chết sớm tại 20 trên tổng số 48 nước ở vùng hạ Sahara, châu Phi.
Theo Vnexpress