Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, những
chiếc áo xanh tình nguyện đã thấm đẫm mồ hôi, nhưng không làm giảm được
khí thế nhiệt huyết của hơn 500 bạn sinh viên ưu tú khi đặt chân đến
huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), tham gia chương trình “Sinh viên với
biển, đảo Tổ quốc năm 2016”.
Hành trình ra đảo
Nằm trong chuỗi những sự kiện lớn do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” đã trở thành hoạt động thường niên, thu hút đông đảo các bạn sinh viên ở mọi miền đất nước. Bốn năm qua, chuyến đi của các bạn trẻ đến những đảo tiền tiêu của Tổ quốc luôn tràn đầy cảm xúc. Từ Lý Sơn (Quảng Ngãi) đến Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang), đến Cù Lao Xanh (Bình Định), hàng nghìn sinh viên đã chứng kiến và trải nghiệm thực tế với cuộc sống của quân dân trên đảo. Năm nay, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình tại đảo Cô Tô ( Quảng Ninh).
Chương trình có nhiều nội dung hoạt động phong phú, hấp dẫn, được thiết kế thành các nhóm nội dung chính: Hoạt động tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển, đảo; Các hoạt động an sinh xã hội, như: thăm, tặng quà gia đình chính sách, tặng cờ Tổ quốc và tặng quà ngư dân bám biển, trao học bổng cho con em cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trần (thuộc huyện đảo Cô Tô)...
Lần đầu được trải nghiệm chuyến đi ra đảo, bạn Đỗ Thị Mai Anh (Khoa Văn hóa, Trường đại học Hạ Long) chia sẻ: “Đây là chuyến đi bổ ích cho sinh viên. Tại đây, chúng tôi được tìm hiểu về vấn đề chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, được lắng nghe những câu chuyện xúc động về nỗi vất vả của những người lính biển trong thời bình. Qua đó, tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền về biển, đảo của Tổ quốc với bạn bè, người thân”. Bên cạnh nhiều hoạt động tập thể sôi nổi, các bạn sinh viên còn được lắng mình trong giây phút thiêng liêng khi làm lễ chào cờ dưới chân cột cờ Tổ quốc trên đảo Trần, được nghe tâm sự của những người xây dựng cột cờ. Cũng giống các cột cờ chủ quyền Tổ quốc khác đã được khánh thành tại các đảo tiền tiêu như: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Xanh (Bình Định), Phú Quý (Bình Thuận), cột cờ trên đảo Trần là công trình mang dấu ấn của thanh niên, sinh viên trên khắp cả nước. Chính các bạn sinh viên là những người thiết kế, đóng góp kinh phí và trực tiếp tham gia xây dựng cột cờ này.
Trưởng ban Thanh niên trường học, T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết cho biết: “Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới các bạn sinh viên là hãy cố gắng học tập và rèn luyện. Tổ chức Đoàn, Hội luôn đồng hành cùng các bạn đến những vùng đất xa xôi nhất, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc để thanh niên không chỉ học tập và rèn luyện mà còn có thể chung sức trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bác sĩ trẻ tình nguyện trên đảo
Đã từng đến nhiều vùng miền khác nhau, các bác sĩ trẻ đều thấu hiểu những nỗi vất vả, gian truân của người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, những con người ngày đêm bám đất, bám biển để xây dựng cuộc sống mới và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Bác sĩ trẻ Bùi Hải Đăng, sinh năm 1984, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ đã không còn lạ lẫm trước những chuyến đi khám, phát thuốc, chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo. Hải Đăng thường xuyên tham gia cùng thanh niên tình nguyện Bộ Y tế, T.Ư Đoàn và tỉnh Phú Thọ lên vùng cao Tây Bắc và những vùng sâu của mọi miền Tổ quốc. Bác sĩ Đăng chia sẻ: “Tôi luôn nhớ đến hình ảnh những cụ già nắm chặt tay các bác sĩ bày tỏ khi được khám bệnh. Có lẽ những bác sĩ trẻ như chúng tôi cần đi nhiều hơn, trau dồi nhiều kiến thức để giúp đỡ bà con trong việc khám, chữa bệnh”.
Khác với Hải Đăng, bạn Nguyễn Đình Lý, sinh viên năm thứ ba Trường đại học Y dược Hải Phòng lại rất hồi hộp khi lần đầu được tham gia hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân tại đảo tiền tiêu. Với Đình Lý, những chuyến đi xa là cơ hội để chàng sinh viên y khoa học hỏi, rèn luyện kỹ năng nghề và tích lũy vốn sống cho mình. Đình Lý tâm sự: “Mình là sinh viên nên chỉ hỗ trợ giúp các bác sĩ thăm khám bệnh cho nhân dân và thực hiện một số thao tác đơn giản như: đo huyết áp, hướng dẫn người dân khám bệnh…, nhưng những công việc ấy đã giúp mình tiếp thu được nhiều kiến thức y khoa, có thêm kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử với người bệnh”.
Từ sáng sớm, cụ Đào Văn Âu (xã Đồng Tiến, Cô Tô) đã đến Trạm Y tế xã Đồng Tiến (một điểm khám bệnh tình nguyện trên huyện đảo Cô Tô) để được thăm khám. Cụ Âu năm nay 84 tuổi, ra đảo xây dựng cuộc sống từ năm 1979. Từ đó, cụ gắn bó với huyện đảo tiền tiêu này. Biết thông tin có đoàn bác sĩ trẻ đến đảo, cụ cùng người nhà đã đến đây từ rất sớm để chờ đến lượt khám. “Tôi rất xúc động khi nhận được sự quan tâm chu đáo, nhiệt tình của các bác sĩ, các bạn sinh viên khi đến đây khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. Tôi hy vọng sẽ có nhiều đoàn tình nguyện đến với người dân vùng hải đảo xa xôi để mọi người thêm phấn khởi”, cụ Âu tâm sự.
Chuyến hành trình vừa qua như một ngọn lửa thắp sáng tình yêu biển, đảo cho mỗi sinh viên. Nếu ai hỏi rằng tình yêu đó bắt nguồn từ đâu, họ sẽ trả lời rằng: Tình yêu biển, đảo quê hương được bắt đầu từ cái nắm tay khi trao cờ Tổ quốc cho ngư dân, khi trồng những hàng cây phi lao bên bờ biển và nhất là giây phút xúc động khi đứng dưới lá cờ Tổ quốc.
Minh Châu/TTXVN