Thứ Bảy, 14/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 15/8/2024 12:16'(GMT+7)

Tuyên truyền khẳng định những thành tựu của đất nước sau gần 40 năm đổi mới

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền.

Sáng 15/8, dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024 đã được tổ chức trực tuyến từ đầu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương kết nối đến hơn 2.000 điểm cầu trên cả nước.

Gần 75.000 đại biểu các ban, bộ, ngành, ban tuyên giáo, báo cáo viên các cấp và đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở dự Hội nghị tại 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh), 57 điểm cầu cấp tỉnh, 647 điểm cầu cấp huyện và 1.312 điểm cầu cấp xã.

 

Theo báo cáo tổng hợp, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã mở 267 điểm cầu với gần 9.900 đại biểu tham dự; tỉnh Cao Bằng có 214 điểm cầu với hơn 5.381 đại biểu tham dự; tỉnh Phú yên tổ chức 98 điểm cầu với tổng số 7.290 đại biểu tham dự; tỉnh Vĩnh Long kết nối tới 98 điểm cầu với sự tham dự của 4.287 đại biểu...

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã thông tin chuyên đề “Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024; Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc thông tin chuyên đề: “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”.

Đồng chí Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị.

CÁC NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Thông tin về Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024, cùng với những nội dung liên quan đến bối cảnh, kết quả đạt được và khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Một là, khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin chuyên đề tại Hội nghị.

Hai là, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới 3 động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ba là, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát.

Bốn là, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Năm là, tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy cách tiếp cận mới theo Luật Quy hoạch để tổ thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống.

Sáu là, tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để triển khai các Quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho cả nước.

Bảy là, phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả ở Trung ương, các vùng và địa phương, nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước.

Tám là, thiện tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG ĐANG ĐẶT RA MỘT SỐ YÊU CẦU, NHIỆM VỤ MỚI

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc thông tin chuyên đề tại Hội nghị.

Thông tin về “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”, cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay đang đặt ra một số yêu cầu, nhiệm vụ mới, cụ thể như: công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; công tác quản lý, nắm bắt, trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết tình hình tôn giáo tại địa phương; công tác đấu tranh, xử lý đối với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ”; công tác quản lý hoạt động tôn giáo trên không gian mạng; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam...

Theo đó, cùng với những nội dung khác trong phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản như: Chú trọng việc tổng kết thực tiễn và tổng kết công tác lý luận về công tác tôn giáo, tín ngưỡng; phát huy tính chủ động trong công tác tôn giáo, tín ngưỡng gắn với phòng ngừa, đấu tranh với những hình thức, biểu hiện phản động, chống phá có liên quan đến tôn giáo; không ngừng củng cố, phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp, nhất là những cơ sở, địa bàn có đông đồng bào theo tôn giáo; đẩy mạnh công tác dân vận và tuyên truyền nêu gương; quan tâm thiết thực hơn nữa đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thực hiện an sinh xã hội đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào theo tôn giáo; tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần thường xuyên nghiên cứu, bám sát tình hình thực tiễn cơ sở để xây dựng, đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tôn giáo...

Các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương.

TUYÊN TRUYỀN KHẲNG ĐỊNH NHỮNG THẮNG LỢI VĨ ĐẠI VÀ THÀNH TỰU CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA ĐẤT NƯỚC

Phát biểu kết luận Hội nghị và định hướng tuyên truyền thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội cùng đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, về tình hình kinh tế - xã hội.

Tuyên truyền theo thông tin, tài liệu do đồng chí Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp, rong đó nhấn mạnh:

1) Từ đầu năm đến nay, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.

2) Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD, thể hiện nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

3) Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

4) Thu ngân sách nhà nước tăng khá nhờ các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn.

5) Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp.

Đồng chí Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền.

Thứ hai, về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng.

Căn cứ thông tin, tài liệu đồng chí Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã cung cấp, tuyên truyền khẳng định:

1) Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

2) Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

3) Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo thời gian gần đây còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Một số người chưa tuân thủ pháp luật, còn tổ chức truyền đạo trái phép; còn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan. Việc khiếu kiện và tranh chấp liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất của tôn giáo ở một số nơi tăng lên, có nơi gay gắt, phức tạp. Ở một số nơi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, một số người đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối, kích động tín đồ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị.

4) Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chủ trương đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thứ ba, Kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024).

Tuyên truyền theo Hướng dẫn số 161-HD/BTGTW ngày 29/7/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương:

1) Khẳng định giá trị trường tồn của Di chúc, là văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, là kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta.

2) Những thành tựu to lớn, bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam trong 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tập trung tuyên truyền thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; xây dựng Đảng thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

3) Đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và phủ định ý nghĩa, giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, Di chúc nói riêng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ tư, Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).

Tuyên truyền khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và mốc son chói lọi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam); những thắng lợi vĩ đại và thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 8 thập kỷ qua, nhất là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Thứ năm, về Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024.

Ngày 6/8/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch số 514-KH/TBGTW tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024 trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo cáo viên (baocaovien.vn).

Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội ban hành văn bản chỉ đạo, tuyên truyền Kế hoạch tổ chức Cuộc thi để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực hưởng ứng, góp phần đưa Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống.

Sinh viên năm thứ 3 Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia dự thính tại đầu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thứ sáu, một số nội dung quan trọng khác.

Bên cạnh những nội dung - sự kiện quan trọng của đất nước và các địa phương tỉnh, thành phố, bộ, ngành... công tác tuyên truyền chú trọng tập trung vào: 1) Kết quả các hoạt động đối ngoại quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. 2) Tuyên truyền bài viết: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. 3) Tuyên truyền công tác chuẩn bị năm học mới 2024 - 2025. 4) Tuyên truyền việc Việt Nam nộp hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực Giữa Biển Đông theo tài liệu gửi kèm Công văn số 9130-CV/BTGTW ngày 9/8/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương.../.

Tin, ảnh: MINH THẾ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất