Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 12/4/2020 21:16'(GMT+7)

Tuyên truyền thúc đẩy thực thi Nghị định 09 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng ​vào thực phẩm

Họp báo: Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2018) với thông điệp chính được truyền tải đến cộng đồng: Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống. Ảnh TL.

Họp báo: Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2018) với thông điệp chính được truyền tải đến cộng đồng: Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống. Ảnh TL.

NGHỊ ĐỊNH 09 - MỘT CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN

Trong nhiều thập niên qua, Việt Nam đã đạt được đáng kể về thành tựu cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Theo đó, người Việt Nam đã được nâng cao về tầm vóc, trí tuệ và tuổi thọ, trở thành điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, “chênh lệch chỉ số sức khoẻ giữa các vùng, miền còn lớn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao. Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện. Số năm sống khỏe chưa tăng tương ứng với tuổi thọ”[2]. Trong đó, một số bệnh liên quan đến thiếu VCDD tái tăng cao. Đặc biệt, từ sau khi Chính phủ tuyên bố “Việt Nam cơ bản hoàn thành Chương trình quốc gia về về phòng chống các chứng bệnh do thiếu i-ốt vào năm 2005” khi đã đạt được mục tiêu đề ra. Theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, chỉ 10 năm sau (2015), Mạng lưới i-ốt toàn cầu đã xếp Việt Nam là 1 trong 19 quốc gia có tình trạng thiếu i-ốt trầm trọng nhất trên thế giớiWHO cũng xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi). Ngoài ra, một số VCDD khác cũng đang bị thiếu hụt gây ảnh hưởng đến sức khỏe, như: Axit folic, Vi tain D, B1, K,... ở mức “đáng báo động”.

Tọa đàm: “Thúc đẩy thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vì sức khỏe và tầm vóc Việt” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội. Trong ảnh: TSKH. Nghiêm VŨ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội đọc phát biểu đề dẫn. Ảnh TL.  

Theo điều tra dịch tễ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sự thiếu hụt i-ốt trong các tầng lớp dân cư đã làm tăng các căn bệnh liên quan khoảng 30-35%, gần với mức trước năm 1995 (khoảng 38%), tăng trên - dưới 5 lần so với năm 2005 (6-8%). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước được xác định là ở mức cao (24,6%). Trẻ em thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13%, thiếu máu 27,8%, và thiếu kẽm trầm trọng 69,4%. Ở phụ nữ có thai: Thiếu máu là 32.8%, thiếu kẽm tới 82,5% (tương tự ở phụ nữ không có thai là: 24% và 60,7%).

Từ thực tế trên, đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với ngành Y tế và xã hội. Đó cũng là lý do Chính phủ ban hành Nghị định số 09, nhằm giải quyết tình trạng thiếu các vi chất phổ biến trong cộng đồng, trước hết là i-ốt, sắt, kẽm và vitamin A.

Nghị định 09 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2016 và lộ trình bắt buộc áp dụng sau 1 năm đối với muối tăng cường i-ốt (muối i-ốt) và 2 năm  đối với dầu ăn tăng cường vitamin A (dầu ăn vitamin A) và bột mỳ tăng cường sắt, kẽm (bột mỳ sắt, kẽm). Đây cũng là nền tảng để Chính phủ ban hành Nghị định 40/2017/NĐ-CP, quy định: “Muối thực phẩm là muối được bổ sung tăng cường vi chất i-ốt dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm”.

Nghị định 09 được coi là một chính sách nhân văn với những giải pháp tích cực nhằm khắc phục kịp thời các thiếu xót trong chính sách vĩ mô về tăng cường VCDD nâng cao tầm vóc Việt. Với nhiều ưu điểm vượt trội, dễ sản xuất và dễ sử dụng, giá thành chi phí thấp (chỉ 0,06 USD người/năm) so với các giải pháp cơ bản khác, như: Đa dạng hóa bữa ăn, hay bằng đường uống/tiêm (tương ứng là: 1.148 USD và 11,4 USD người/ năm). Tính chung ở Việt Nam, tăng cường VCDD vào thực phẩm chi phí khoảng 3 triệu USD/năm. Đây là con số rất thấp so với chi phí cho điều trị y tế và những chi phí khác do thiếu vitamin A, sắt, kẽm, i-ốt gây ra, có thể mất tới 648 triệu USD/năm, kèm theo là những hệ lụy khôn lường của một xã hội “thiếu sức khỏe” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu”[3].

Nghị định 09 do đó thực sự là một giải pháp trung hạn không thể thiếu trong nhiều giải pháp song hành, đã được khuyến nghị và thực hành quốc tế có hiệu quả về mặt chi phí, tầm tác động và tính bền vững, góp phần tạo ra một lực lượng dân số khoẻ mạnh và thông minh đóng góp nhiều lợi ích cho xã hội và sự phát triển của đất nước, bao gồm cả phát triển năng lực cạnh tranh mà nhiều quốc gia đã thực hiện       

Hiện có 108 quốc gia trên thế giới bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối, 98 quốc gia yêu cầu sử dụng muối i-ốt để chế biến thực phẩm, 85 quốc gia yêu cầu bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ, 29 quốc gia yêu cầu bổ sung vitamin A vào dầu ăn. Các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, FAO, nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng của nước ta (GS Hà Huy Khôi, GS Nguyễn Công Khẩn, GS Lê Thị Hợp…) đều có kiến nghị thúc đẩy thực hiện Nghị định số 09. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có thư cảm ơn các nhà khoa học về việc này.

                                                          Nguồn: Báo cáo của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế

THỰC THI NGHỊ ĐỊNH 09 VÀ VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG

Từ khi Nghị định 09 có hiệu lực thi hành, công tác tuyên truyền cũng được triển khai, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của các nhóm đối tượng được điều chỉnh về tăng cường VCDD vào thực phẩm. Bước đầu đã cải thiện một phần thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Trong các Hội thảo, tọa đàm bàn tròn và trực tuyến gần đây, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế và các nhà khoa học, các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế về các bệnh liên quan đến thiếu vi chất… đều khẳng định: Nghị định 09 là một văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn và đòi hỏi bức bách liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, ngay từ khi Nghị định 09 sắp có hiệu lực, một số hiệp hội và doanh nghiệp, liên tục có ý kiến phản ánh những bất cập ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiêp và chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung ở một số điểm: Một là, làm tăng chi phí sản xuất, do giá thành thực phẩm tăng cường vi chất tăngHai là, phải đầu tư thay đổi công nghệ, gây khó khăn và nâng giá thành sản xuất. Ba là, i-ốt được tăng cường làm thay đổi cảm quan người dùng đối với thực phẩm chế biến, bị bay hơi trong quá trình chế biến và không có tác dụng tăng cường sức khỏe, ảnh hưởng việc đến xuất khẩu thực phẩm. Bốn là, các doanh nghiệp sẽ “bị” kiểm tra bởi cơ quan chức năng.

Trước những ý kiến như vậy, đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp trong việc thực thi Nghị định. Việc tăng cường VCDD vào thực phẩm trở nên  thiếu thống nhất, thậm chí có nhiều cơ sở sản xuất không thực hiện vì lý do cạnh tranh về giá thành, giá bán, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tình trạng đó, làm cho độ bao phủ của thực phẩm tăng cường vi chất không những không được nâng lên mà còn bị suy giảm đáng lo ngại.Đơn cử một nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia về thực phẩm muối i-ốt cho thấy: Chỉ 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt; còn lại người dân sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh không có i-ốt… Ngay tại Hà Nội, độ bao phủ của muối iốt cũng chỉ còn gần 30%.Các bệnh do thiếu vi chất do đó lại vẫn tiếp tục gia tăng.

Tại các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ và các cơ quan Chính phủ với các hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Y tế đã có đủ bằng chứng khoa học, khẳng định việc tăng cường VCDD vào thực phẩm không ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sản xuất. Bộ cũng nhiều lần có văn bản giải thích về việc không kiểm tra đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm theo đúng quy định tại Nghị định, nhưng đến nay vẫn chưa tạo được sự thống nhất từ phía các hội, hiệp hội và doanh nghiệp. Việc thực thi Nghị định vẫn đang “có nhiều trở ngại”. Trong khi, các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn không đưa ra được bằng chứng khoa học hay thực tiễn về những bất cập trong sản xuất do tăng cường VCDD vào thực phẩm.

Trên thực tế, việc tăng cường vi chất chỉ làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp khoảng 50.000 - 200.000 đồng/tấn muối (giá muối i-ốt hiện từ 2,8-3 triệu đồng/tấn); tăng từ 35.000 - 70.000 đồng/tấn đối với bột mỳ (giá bột mỳ sắt, kẽm hiện khoảng 9 triệu đồng/tấn; tăng 100 đồng/lít dầu ăn (giá dầu ăn từ 20.000 đồng - 50.000 đồng/lít). Các doanh nghiệp đều không gặp khó khăn về công nghệ, nếu có phát sinh chi phí thì cũng được tính vào giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường. Việc sử dụng thực phẩm được tăng cường vi chất không làm thay đổi cảm quan, chất lượng thực phẩm được chế biến và lượng vi chất vẫn tồn tại sau chê biến có tác dụng tốt cho sức khỏe, lợi ích rõ rệt cho người tiêu dùng.

                                                                        Theo:Báo cáo đánh giá của Bộ Y tế năm 2019

Như vậy, cho dù có tăng chi phí nhưng là mức chi phí rất nhỏ so với lợi ích tổng thể của toàn xã hội. Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều chấp nhận được, nhất là người tiêu dùng được thụ hưởng sản phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhà nước ít phải chi phí y tế. Việc thúc đẩy thực thi Nghị định 09 do đó là yêu cầu khách quan, khoa học cần được triển khai thực hiện công bằng, minh bạch.


Những hạn chế trong quá trình triển khai Nghị định, có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Bên cạnh các chế tài bắt buộc chưa được thực hiện nghiêm túc, vai trò tuyên truyền (bao gồm cả thông tin, giáo dục và truyền thông) trên cả ba phương diện: Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm với cộng đồng và nghĩa vụ thực thi pháp luật của người dân đều chưa được phát huy và còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Bộ Y tế cũng thừa nhận, đây là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự trì trệ trong quá trình thực thi Nghị định. Bộ này cũng cho biết, trong thời gian tới, một chương trình giáo dục, truyền thông mở rộng sẽ được triển khai đồng bộ, đảm bảo cao nhất cho việc thúc đẩy thực thi Nghị định vì sức khỏe cộng đồng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, truyền thông được coi trọng sẽ làm cho thông tin minh bạch, giúp cơ quan quản lý, thực thi chính sách tốt hơn; đồng thời, động viên, khích lệ việc làm tốt cũng như hạn chế sự lẩn tránh, hay tìm cách “lách luật” của các doanh nghiệp gây nên tổn thất cho con người và xã hội.

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN

Để Nghị định 09 tiếp tục được thực thi có hiệu quả, công tác tuyên truyền cần phải đổi mới đồng bộ, toàn diện và có chiều sâu. Trong đó, cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tăng cường đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyềnnhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực thi Nghị định 09.Trước hết, giúp cho các nhóm đối tượng nhận thức rõ tác dụng của VCDD và tác hại nghiêm trọng của thiếu VCDD đối với sức khỏe cộng đồng; theo đó, nhận thức rõ tình trạng thiếu hụt vi chất hiện nay để có giải pháp đúng đắn trong việc thực thi các quy định của Nghị định.

Việc tuyên truyền phải đồng bộ, thường xuyên và có chiều sâu từ Trung ương đến địa phương. Tuyên truyền bằng đa dạng các hình thức, như trên các phương tiện thông tin đại chúnglồng ghép trong giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục; thông qua hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức xã hội và các loại hình văn hoá quần chúng khác; thông qua điểm hỏi đáp tại các bộ quản lý ngành,...Trên cơ sở phạm vi bao quát về nội dung,phải đảm bảo tính chính xác, tính cập nhật và tần số sử dụng thông tinphù hợp với từng loại đối tượng; phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức xã hội, phong tục tập quán của từng vùng miền. Trong đó, quan trọng nhất là nội dung bao quát, thứ đến là tính chính xác, kịp thời, tạo những điểm nhấn dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hiện.Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tuyên truyền thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, thực hiện các Chương trình quốc gia về phòng chống các chứng bệnh do thiếu iot từ năm 1995-2005,… được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao, cần được phát huy trong thực hiện Nghị định 09.

Sản xuất muối nguyên liệu. Ảnh minh họa

Thứ hai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá định kỳ chất lượng công tác tuyên truyền thực thi Nghị định 09. Chỉ có như vậy mới đưa công tác tuyên truyền đến đích. Lâu nay, trên thực tế ở nước ta, công tác tuyên truyền nói chung vẫn thường mang tính hình thức, thậm chí “khoán trắng” cho một ít cơ quan, đơn vị và ít có tổng kết đánh giá về chất lượng, hiệu quả, làm cho không ít chủ trương, chính sách khó đi vào cuộc sống. Việc thông tin một chiều và theo kiểu “mùa vụ” không phản ánh đúng những đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống. Trái lại, làm nghèo nàn tính khoa học và thực tiễn, biến một số văn bản pháp quy, chủ trương, chính sách vốn rất cần cho đời sống xã hội trở nên giáo điều, kém hiệu lực, hiệu quả.

Nghị định 09 được ban hành và có hiệu lực bắt buộc đã hơn 3 năm đối với muối i-ốt, và 2 năm đối bột mỳ sắt, kẽm và dầu ăn vitamin A, được nhiều nhà khoa học, chuyên gia về sức khỏe đánh giá là một văn bản pháp quy, một chính sách nhân văn, mang lại nhiều lợi ích nổi trội cho sự phát triển và duy trì sự sống khỏe mạnh của cộng đồng nhưng dường như vẫn chưa tạo được sự đồng thuận, nhất là từ phía các hội, hiệp hội và doanh nghiệp. Các ý kiến trái chiều vẫn còn “âm ỉ” và chưa có hồi kết. Các doanh nghiệp không thực thi Nghị định vẫn chưa bị xử lý nghiêm, tạo nên sự hoài nghi trong dư luận, trước hết là sự bất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có thể thấy người dân, cụ thể là người nội trợ rất ít hiểu biết về thực phẩm tăng cường VCDD; về quyền lợi và nghĩa vụ trong tiêu dùng thực phẩm an toàn nói chung và thực phẩm có tăng cường vi chất nói riêng; về sự thiếu hụt VCDD trong khẩu phần ăn hàng ngày để tự bù đắp theo nhu cầu khuyến nghị y tế. Trong khi đó, công tác tuyên truyền dường như vẫn còn “đứng ngoài cuộc” và thực trạng sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất, đặc biệt là muối i-ốt trong cộng đồng vẫn sụt giảm đến mức đáng lo ngại.

- Thực phẩm tăng cường VCDD là thực phẩm được bổ sung vitamin, chất khoáng, chất vi lượng nhằm phòng ngừa, khắc phục sự thiếu hụt các chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng.

Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm phải: Tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường VCDD mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.

- Chỉ được tăng cường VCDD  là vitamin, chất khoáng, chất vi lượng vào thực phẩm với hàm lượng bảo đảm không gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người và thuộc Danh mục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trích: Luât An toàn thực phẩm (số 55/2010/QH12 được kỳ họp thứ 7 Quốc hội XII thông qua ngày 17- 6-2010)

Sự chậm trễ, yếu kém trong công tác truyền thông còn là nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong công tác quản lý và sự tồn tại bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Nghị định so với những doanh nghiệp trốn tránh, bao biện.Chú trọng kiểm tra, đôn đốc và tổng kết, đánh giá khách quan hiệu quả công tác tuyên truyền sẽ góp phần tạo nên sức mạnh của tuyên truyền, nhất là trong điều kiện dân chủ, cởi mở và thông tin nhanh nhạy như hiện nay.

  Thứ ba, công tác tuyên truyền thực thi Nghị định 09, đồng thời phải được  gắn với bảo vệ quyền lợi lợi của các nhóm đối tượng được điều chỉnh bởi Nghị định. Thông qua tuyên truyền, đánh giá khách quan những vấn đề bất cập trong thực tế sản xuất của các doanh nghiệp, của các đơn vị cung cấp nguyên liệu (đầu vào), cung ứng sản phẩm và nhu cầu của người tiêu dùng (đầu ra). Từ đó, phát hiện và rút ra những điểm cần bổ sung của Nghị địnhđáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của sản xuất, đời sống. Thực tế cuộc sống luôn là bài học tốt nhất để kiểm chứng tính đúng, đủ của một văn bản pháp luật hay một chủ trương, chính sách. Công tác tuyên truyền sẽ góp phần đánh giá khách quan và rút ra bài học đó. Theo đó, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nướctăng cường quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm minhcác doanh nghiệp vi phạm hoặc trốn tránh trách nhiệm thực thi Nghị định; đồng thời, có cơ sở khoa học, khách quan giúp Chính phủ hoàn thiện cao hơn các chủ trương, chính sách đã đề ra.  

Trên thực tế, còn có những nội dung tuyên truyền chưa “đến nơi” hoặc chưa “đủ thuyết phục” với tất cả các nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Những ý kiến trái chiều của các hiệp hội và doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý không phải tất cả đều “vô lý”. Ít hay nhiều, những ý kiến đó đều có lý lẽ riêng và có thể xuất phát từ sự thiếu minh bạch, thiếu kịp thời, chính xác trong thông tin, giáo dục và truyền thông, cũng như việc xử lý tình huống từ phía cơ quan quản lý, tạo nên sự bất bình đẳng trong các doanh nghiệp khi thực thi Nghị định. Do đó, truyền thông cần tiếp thu và phân tích thấu đáo, khách quan những nguyên nhân gây nên tình trạng bất cập từ các phía, giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân và tìm kiếm những giải pháp căn cơ để khắc phục. Không vội “thỏa hiệp” nhưng cũng không nên áp đặt một cách cứng nhắc.   

Tuyên truyền thực thi Nghị định 09 cũng chính là tuyên truyền thực thi một chủ trương lớn của Đảng về “Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời, phù hợp với chủ trương của Liên Hợp Quốc về Thập kỷ Hành động vì Dinh dưỡng,thúc đẩy phát triển nguồn vốn con người của Việt Nam trong tương lai./.

Phương Vinh

 

[1] Thiệt hại do thiếu VCDD chiếm từ 2-3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia, làm giảm tới 11% GDP ở các nước châu Á và châu Phi. Nếu không được cải thiện, trong 10 năm tới nền kinh tế thế giới phải tiêu tốn từ 180- 250 tỷ USD/năm để giải quyết các hậu quả của nó, trong khi tăng cường VCDD vào thực phẩm chỉ cần chi phí khoảng 3 triệu USD.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Báo Nhân dân ngày 25-10 năm 2017.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 241.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất