Thứ Bảy, 21/12/2024

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội sụt giảm một phần do truyền thông

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

Vai trò của phụ nữ hiện nay ngày càng được khẳng định, tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử vẫn chưa tương xứng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII ở mức 24,4%, giảm so với ba nhiệm kỳ trước đó.

Để nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2016-2021, phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

PV: Theo ông, truyền thông có vai trò gì trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, là có nhiều hơn đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử. Bởi truyền thông có tác động mạnh lên nhận thức và giúp thay đổi hành vi của người dân.

Một thiết chế đại diện mà không có được tiếng nói của phụ nữ thì thiết chế đó sẽ không đại diện toàn diện được.

Để nữ giới có được tiếng nói quyết định, cần ít nhất 30% đại diện trong cơ cấu bộ máy nhà nước, đó là tiêu chuẩn mà quốc tế đã nghiên cứu, nhưng nước ta chưa bao giờ đạt được tỷ lệ đó.

Không những thế, tỷ lệ đại biểu nữ trong ba kỳ Quốc hội gần đây đã có sự sụt giảm, cụ thể là: Số nữ đại biểu Quốc hội chiếm 27,31% ở khóa XI, 25,76% ở khóa XII và giảm xuống còn 24,4% ở khóa XIII.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua có sự sụt giảm?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ rằng sự sụt giảm này do nhiều nguyên nhân, có phần do truyền thông. Nếu chúng ta chỉ tập trung đưa những vấn đề như: Phụ nữ gặp khó khăn trong công việc hơn đàn ông, phụ nữ phải cân đối giữa gia đình và công việc… sẽ không tạo được hiệu ứng tích cực như mong muốn.

Chúng ta cần có cách đưa hợp lý với những thông điệp mạnh mẽ. Nếu truyền thông làm tốt nhất công việc của mình, chắc chắn sẽ giúp thay đổi hành vi của các cử tri.

Cần có những thông điệp ấn tượng

PV: Vậy theo ông, thông điệp về hình ảnh người phụ nữ nên được xây dựng như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Hiện nay, người dân tiếp nhận rất nhiều luồng thông tin trong một ngày, với những vấn đề khô khan như bầu cử mà không có thông điệp truyền thông ấn tượng thì sẽ không đến được với người dân.

Theo tôi, truyền thông nên sử dụng những thông điệp, như: “Nếu bạn muốn được lắng nghe, hãy bầu cho đại biểu nữ”; “Muốn có một góc nhìn toàn diện, chi tiết đến thân phận của từng người dân, cử tri hãy quan tâm tới các ứng cử viên nữ”...

Thông điệp truyền thông mạnh mẽ và tốt sẽ phá vỡ được định kiến xã hội phân vai phụ nữ phải ở nhà chăm sóc con cái, lo bếp núc. Sự phân vai đó không được ghi nhận chính thức ở đâu cả mà đó là một quan niệm chúng ta hiểu ngầm với nhau.

PV: Theo ông, các cơ quan truyền thông cần làm gì để thực hiện tốt vai trò thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp?

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Các cơ quan truyền thông cần có một chiến lược truyền thông và phải trả lời được câu hỏi mục tiêu mình hướng tới là gì, mục tiêu đó nhắm tới đối tượng nào, thông điệp được đưa ra là gì.

Nếu chỉ nói chung chung mà không đưa ra được thông điệp thì sẽ không gây tác động nhiều. Chúng ta chưa hy vọng có được tỷ lệ 50% đại biểu nữ như Thụy Điển nhưng chúng ta phải cố gắng đạt mức tối thiểu 30% để có thể phản ánh toàn diện các vấn đề của xã hội.

Với tỷ lệ hơn 24% đại biểu nữ ở trong Quốc hội khóa XIII thì để đạt được mức 30% sẽ là một sự nỗ lực rất lớn.

Nhưng tôi nghĩ truyền thông có thể làm được việc đó. Khi cử tri nhận thức được sự cần thiết của tỷ lệ 30%, đặc biệt là nếu các cử tri nữ hiểu được thì lúc đó chúng ta sẽ có được nhiều đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp hơn./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Nguyễn Vũ/Quân đội nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất