Nhìn giải bóng đá phủi đang lên ngôi,
sự quan tâm, kỳ vọng của dư luận cả nước vào bóng đá trẻ trong vài năm
qua, mới đây là giải U19 Đông Nam Á, càng cho thấy dứt khoát bóng đá
Việt Nam phải bắt đầu từ nền tảng, tức hệ thống đào tạo trẻ, bóng đá
phong trào, bóng đá học đường và hệ thống giải chuyên nghiệp phải được
nâng tầm...
Có thể khi tham chiến tại VCK U23 Châu Á vào đầu năm sau, bóng đá
Việt Nam vừa trải qua một năm thất bại trên diện rộng. Do đó, sự thành
công của U23 tại VCK có giá trị vô cùng lớn trong việc tạo tiền đề cho
một năm mới, hay có thể là chu kỳ mới sáng sủa hơn với VFF nhiệm kỳ 7.
Nhưng muốn U23 thành công, dứt khoát đội bóng phải được chuẩn bị với sự khác biệt hơn.
Với
việc chỉ được xếp vào nhóm 4, nhóm các đội bị đánh giá yếu nhất, như
Thể thao & Văn hoá đã nhận định, với U23 Việt Nam, bảng đấu nào cũng
khó, chứ không nên dùng từ "tử thần". Với kết quả bốc thăm được công
bố, chúng ta nằm chung bảng đấu với Jordan (nhóm 1), Australia (nhóm 2)
và UAE (nhóm 3).
Tại giải đấu tiền thân là U22 châu Á được tổ chức
lần gần đây nhất vào tháng 1/2014, Jordan đã đoạt HCĐ sau khi vượt qua
Hàn Quốc với tỷ số 3-2 ở loạt sút luân lưu (2 đội hoà nhau 0-0 ở giờ thi
đấu chính thức). Nền bóng đá được đánh giá là mạnh thứ 4 châu lục,
Jordan, từng giành quyền chơi trận play-off đến VCK World Cup 2014.
Trở
lại với kết quả bốc thăm, cả UAE và Australia đều không quá xa lạ với
bóng đá Việt Nam, tại hệ thống các giải đấu trẻ (từ U19 đến Asian
Games). Thậm chí tại vòng loại U19 châu Á 2014, Công Phượng - chân sút
tốt nhất của U23 Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á 2016, và đồng đội đã hạ
U19 Australia với tỷ số 5-1. Ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng tổ chức trên
sân Mỹ Đình sau đó, lại là Phượng với pha solo hoàn hảo trước khi duỗi
mu kết liễu U19 Australia lần thứ hai.
Chúng ta không hề muốn U23 (áo trắng) thất bại như hình ảnh trận bán kết thua Myanmar tại SEA Games 2015. Ảnh Quốc Khánh.
Không
biết có phải ngại Việt Nam hay không mà đội bóng xứ sở chuột túi đã
quyết định không tham dự VCK U19 2015, vừa được tổ chức ở Vientiane?! Về
cơ bản, Australia chưa từng được biết đến như một nền bóng đá trẻ thực
sự mạnh. Họ xin gia nhập AFC cũng chỉ vì suất tham dự World Cup dễ lấy
hơn, thay vì luôn phải đánh cược với trận play-off.
U23 Việt Nam
rõ ràng không phải không có cơ hội để tìm ít nhất một trận thắng tại
bảng đấu này. Vấn đề là chúng ta phải biết chủ động chọn đối thủ để
"đánh". VCK Asian Cup 2007, quả thật ít ai nghĩ ĐT Việt Nam sẽ thắng UAE
(2-0 ở ngày ra quân), cầm hoà Qatar để đàng hoàng tiến vào tứ kết.
Có
thể nói, các ĐTQG Việt Nam thường dễ chơi hơn khi đối đầu với những đối
thủ đến từ Tây Á, thay vì gặp phải những đại diện ở Đông Bắc Á. Cũng
trong năm 2007, Olympic Việt Nam từng tìm được các kết quả rất khả quan
trước Bahrain, Qatar, Oman và Lebanon,... để lọt tới vòng đấu loại thứ 3
Olympic Bắc Kinh.
Lịch sử cho thấy không nhiều lần chúng ta giành
quyền chơi các VCK giải châu Á bằng cửa chính. U23 Việt Nam là lứa tiệm
cận với ĐTQG nhất. Đây không chỉ là cơ hội học hỏi, cọ xát, mà còn là
dịp thử sức để biết đích xác nền bóng đá đang ở đâu trên bản đồ bóng đá
châu lục. Vậy có cần phải lo lắng thái quá không? Ở thế kèo dưới thường
dễ đá và biết đâu được, các cột mốc năm 2007 lại được tái lập?
Đây
là một giải đấu quan trọng, bổ ích cho bóng đá nước nhà. Chúng ta không
thể tiếp tục trông chờ vào may mắn, hay đầu tư không thấu đáo như U19
vừa rồi, để dệt giấc mơ U23 thành công./.
Theo thethaovanhoa