Chủ Nhật, 24/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 8/8/2017 9:25'(GMT+7)

Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào sản xuất nông nghiệp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp mới được triển khai trong 4 lĩnh vực, bao gồm: Chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến. Hai lĩnh vực còn lại về chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thủy sản chưa có được những hoạt động triển khai cụ thể.

Trong đó, chọn tạo giống đột biến đã có bước tiến đáng kể bằng việc tạo ra và đưa vào sản xuất 61 giống tính đến năm 2015, bao gồm 41 giống lúa, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc…

Lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng cũng đã có một số kết quả nghiên cứu bước đầu về xói mòn đất canh tác nhằm giúp cho việc xây dựng các giải pháp khắc phục, quản lý và chống thoái hóa đất. Ở nước ta, với diện tích 13 triệu ha đất dốc (40% diện tích đất canh tác), áp dụng kỹ thuật này có thể giúp tiết kiệm hàng trăm tấn phân bón nitơ và phốt pho với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, với sự hỗ trợ của IAEA, kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) đang được các nhà khoa học tại Viện Bảo vệ thực vật-Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai nghiên cứu quản lý ruồi hại quả thanh long diện rộng, nhằm nâng cao chất lượng quả, tạo điều kiện xuất khẩu quả thanh long Việt Nam vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhìn chung các nghiên cứu triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực tương xứng với tiềm năng và triển vọng. Một số mục tiêu đã được đặt ra trong quy hoạch chi tiết như: Tăng cường cơ sở vật chất, tạo ra và đưa vào sản xuất 3-4 giống đột biến cho mỗi loại cây trồng nông nghiệp hằng năm; 1-2 giống đột biến cho mỗi cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm và cây lâm nghiệp… về cơ bản chưa có được đầu tư nguồn lực hợp lý.

Bên cạnh việc cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực tạo giống đột biến, kỹ thuật tiệt sinh côn trùng, cần mở rộng thị trường xuất khẩu từ đó tạo lực kéo cho sản xuất trong nước, qua đó, tạo điều kiện mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ chiếu xạ và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong trồng trọt và xử lý sau thu hoạch./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất