Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 35, sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã tổng kết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội do Tổng Thư ký Quốc
hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên
họp khẳng định, sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ,
Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình.
Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi
mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp
lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất
nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự
nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời, thể hiện sự
lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ
thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật,
10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến
hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo
cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng
khác.
Về công tác lập pháp, các dự án luật,
nghị quyết được chuẩn bị công phu, bám sát chủ trương, đường lối của
Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng
yêu cầu phát triển đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế. Các đại biểu
Quốc hội thảo luận sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, xem xét kỹ lưỡng,
toàn diện trước khi biểu quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan
nghiên cứu giải trình, tiếp thu đầy đủ, thuyết phục ý kiến đại biểu Quốc
hội.
Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến
cơ bản được chuẩn bị tốt, bảo đảm tiến độ, nhận được sự quan tâm của
các vị đại biểu Quốc hội với nhiều lượt thảo luận và tranh luận. Cơ quan
soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc
lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện các dự
án luật, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Về công tác giám sát, các báo cáo đánh
giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân
sách Nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu
năm 2019 được chuẩn bị công phu, phản ánh đúng tình hình thực tế, cung
cấp nhiều thông tin làm cơ sở để đại biểu quyết định các vấn đề quan
trọng. Các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn phân tích, đánh giá với
tinh thần xây dựng, quan điểm khoa học, bao quát mọi lĩnh vực kinh tế,
văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng và an ninh; phản ánh nhiều vấn
đề, vụ việc được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ
đạo quyết liệt, đồng bộ, triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp
của Chính phủ, các cấp, các ngành; biểu dương tinh thần phấn đấu của
cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn
vượt qua thách thức hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội, ngân sách Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội, tạo nền tảng
vững chắc để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu,
tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục bám sát tình hình
thực tiễn, có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành
để giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát
lạm phát; chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình
kinh tế, chính trị thế giới.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm
vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh
tế-xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều chất vấn
gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó
khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Nhiều đại biểu đã tranh
luận làm rõ thêm những vấn đề quan tâm.
Thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm
túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều cam kết khắc
phục những mặt hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo
chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tọa phiên chất vấn
kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm,
được cử tri đánh giá cao. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm
nhưng số lượng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và số lượng câu hỏi chất
vấn tăng lên.
Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn và trả
lời chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn
tại kỳ họp thứ 7 làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc
thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và
nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Quốc hội ghi nhận những cố gắng của đoàn
giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương
trong quá trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách,
pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn
mạnh, nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu,
bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, giảm đáng
kể việc đóng dấu mật một số tài liệu không thực sự cần thiết.
Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý,
chặt chẽ, tiết kiệm; có nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng
góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp; được điều chỉnh kịp thời, phù
hợp với tình hình thực tế.
Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn,
dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là
tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã tích cực
tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, phong phú, thể
hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những
vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm.
Công tác tập hợp, tổng hợp cơ bản bảo
đảm kịp thời, chính xác, đầy đủ; tiếp thu, giải trình thỏa đáng, thuyết
phục các ý kiến của đại biểu. Kịp thời xin ý kiến những vấn đề quan
trọng để có hướng tiếp thu, chỉnh lý.
Công tác điều hành linh hoạt, sáng tạo,
có sự bao quát toàn diện, bảo đảm đại diện các đoàn được phát biểu ý
kiến, tranh luận, tạo được không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính
nghiêm túc, kỷ luật, hiệu quả.
Công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị
chu đáo, thường xuyên được rà soát, kiểm tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu,
tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội yên tâm dự họp. Việc phục vụ tài
liệu, cung cấp thông tin tư liệu có nhiều cải tiến, đổi mới. Phần mềm
cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp bước đầu phát huy hiệu quả tích cực,
giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể
các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải
mang theo, tiết kiệm chi phí. Việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội qua hệ
thống điện tử vừa bảo đảm tính chính xác, vừa thể hiện tính khách quan,
dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác tiếp dân được thực hiện tốt, các
kiến nghị của cử tri gửi tới đại biểu Quốc hội trong kỳ họp được nghiên
cứu trả lời đầy đủ.
Công tác tuyên truyền về kỳ họp chủ động
hơn, bảo đảm kịp thời, được định hướng rõ ràng, nội dung phong phú,
phương thức sinh động, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri theo dõi, nắm
bắt, đánh giá đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ của các vị đại biểu Quốc
hội và kết quả các phiên họp.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức
kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh
nghiệm, đó là: Chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Hồ sơ
tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá
chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại
biểu Quốc hội.
Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn,
vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng
lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian
quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng
trọng tâm…
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội cũng nêu lên một số
nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh
việc tiếp tục quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các chủ trương,
nghị quyết của Đảng. Thực hiện đúng quy định về gửi hồ sơ, tài liệu kỳ
họp đến các vị đại biểu Quốc hội. Không bổ sung nội dung vào chương
trình kỳ họp sau khi khai mạc kỳ họp, trừ trường hợp thật sự cấp thiết.
Đồng thời, nâng cao chất lượng chuẩn bị
các dự án luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp trước khi trình Quốc hội. Tổ
chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các hội nghị, hội thảo để
lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà
khoa học, đối tượng chịu tác động của các dự án luật trình Quốc hội tại
kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Tăng cường công tác giám sát, trong đó
tập trung các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm như công tác
phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, gian lận thi cử,
giá xăng, giá điện, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, bạo lực gia đình.
Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để nâng cao hơn
nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp…
Nguyễn Hoàng (VGP)