Tại tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, trong cuộc Tổng tiến công và
nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam
nói chung và tuổi trẻ Sài Gòn-Gia Định nói riêng có vai trò quan trọng
ở nhiều mặt, với nhiều nhiệm vụ khác nhau, tham gia tích cực công tác
chuẩn bị và trực tiếp đấu tranh trong những ngày lịch sử ấy.
Đây là một trong những lực lượng chủ công trong các phong trào đấu
tranh, nhất là đấu tranh ở đô thị bằng hình thức vũ trang chính trị, vũ
trang biệt động, chính trị công khai… tiếp sức cho lực lượng biệt động
Sài Gòn đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng học
sinh, sinh viên, trí thức trẻ miền Nam đã tham gia các nhiệm vụ quan
trọng nhưtập hợp quần chúng chuẩn bị cho đấu tranh, qua đó khơi dậy một
cách sâu sắc “tinh thần Quang Trung” trong nhân dân; tham gia chiến đấu
vũ trang, tổ chức các đội tuyên truyền vũ trang đến từng hẻm, từng nhà
trong các xóm lao động; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn, cứu trợ
lương thực, thực phẩm, thuốc men cho đồng bào bị nạn, duy trì tốt việc
sinh hoạt và tập hợp lực lượng thanh niên.
Sau Mậu Thân, các hoạt động của học sinh, sinh viên, trí thức trẻ bảo vệ
văn hóa dân tộc, đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình, chấm dứt
chiến tranh tiếp tục được duy trì.
Các đại biểu cho rằng, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và
trí thức trẻ miền Nam đã thực hiện được vai trò là ngòi pháo cho mũi
tiến công chính trị.
Phong trào đã liên kết được các tầng lớp nhân dân, liên kết nhiều trung
tâm đấu tranh, đồng thời khéo léo và kịp thời đưa ra khẩu hiệu “bảo vệ
văn hóa dân tộc,” “bảo vệ nhân phẩm phụ nữ,” “bảo vệ thanh thiếu nhi,”
đồng thời giải quyết được những quyền lợi bức thiết khác của sinh viên,
học sinh, hình thành mũi tiến công chính trị có sức tập hợp rộng rãi,
lôi cuốn sinh viên, học sinh, trí thức, từ đó tạo nên một lực lượng đấu
tranh hùng hậu, tạo phân hóa trong guồng máy chính quyền và quân đội Sài
Gòn.
Chia sẻ rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia
Định (nơi tập trung cơ quan đầu não của địch) trong cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Bí thư Thành
đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn Thành phố Hồ Chí
Minh chia sẻ học sinh, sinh viên là lực lượng đông đảo nhất trong thanh
niên đô thị, là “núm ruột” của đồng bào, có lòng yêu nước, tràn đầy
nhiệt huyết, sức trẻ nên khi giác ngộ cách mạng thì trở thành “ngòi
pháo” của phong trào cách mạng trong đô thị.
Phong trào thanh niên Sài Gòn-Gia Định lúc đó tập trung ba nhiệm vụ
chính là giương cao ngọn cờ đấu tranh chính trị công khai, tập hợp đông
đảo lực lượng quần chúng thanh niên; đi sâu vào xóm lao động, phường, xí
nghiệp, trường học… phát động quần chúng đứng lên giành quyền làm chủ;
thành lập các đội biệt động vũ trang trừng bị bọn ác ôn, bảo vệ phong
trào quần chúng.
Theo ông Phạm Chánh Trực, thắng lợi của phong trào thanh niên, học sinh,
sinh viên thành phố Sài Gòn-Gia Định trong quá trình chuẩn bị cũng như
trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là
thắng lợi nhiều mặt, vừa chủ động góp phần tiến công quân thù, vừa phát
triển được phong trào và tổ chức, lực lượng; đồng thời thế trận tấn
công địch của phong trào vẫn tiếp tục được duy trì bằng cả vũ trang và
đấu tranh chính trị ngay trong nội thành, sau khi Quân giải phóng rút
đi.
Những câu chuyện, bài học kinh nghiệm từ các nhân chứng về cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại tọa đàm đã góp phần nâng cao
nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng
vẻ vang, truyền thống anh hùng của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ Sài Gòn-Chợ
Lớn-Gia Định cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, góp phần nâng cao bản lĩnh
chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên, hội
viên, đội viên trong tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển địa phương và
đất nước./.
Theo TTXVN