Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 18/1/2021 14:10'(GMT+7)

Vai trò sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cách đây hơn 90 năm đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan của phong trào yêu nước và của giai cấp công nhân nước ta lúc bấy giờ.

Sự ra đời của Đảng cũng gắn liền với tên tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Học thuyết về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đã được V.I.Lenin đưa ra từ những năm đầu của thế kỷ XX.

Nguyễn Ái Quốc với trí tuệ thiên tài và kinh nghiệm thực tiễn phong phú đã tiến hành những bước đi thận trọng, đúng đắn, vận dụng những di huấn của V.I.Lenin một cách sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm cho Đảng ta ngay từ khi thành lập đã xứng đáng là một Đảng Marxist-Leninist chân chính, bộ tư lệnh kiên cường, sáng suốt của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Chính vì nắm vững những nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của Lenin và luôn bám sát thực tiễn của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã có những cống hiến lịch sử vào quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản

Trước khi Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đầu năm 1925, ở Việt Nam chưa thật sự xuất hiện một tổ chức nào đáng gọi là một chính đảng theo đúng nghĩa của nó.

Năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật, ở Việt Nam dấy lên phong trào Đông Du. Tiếng là phong trào, nhưng không có tổ chức. Duy Tân Hội chỉ là “hữu danh vô thực.” Khi Pháp-Nhật câu kết với nhau trục xuất Phan Bội Châu và số học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật, thì phong trào cũng tan rã.

Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), Phan Bội Châu lập ra Việt Nam Quang phục Hội (5/1912) với tôn chỉ “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam cộng hoà dân quốc.” Nhưng như Phan Bội Châu đã tự thừa nhận: Hội “mới lọt lòng mẹ ra, mới thử một tiếng khóc thì đã biết triệu chứng là khó sống lâu rồi.”

Khi thấy phong trào đã nghiêng về xu hướng cách mạng thế giới, Phan Bội Châu dự tính cải tổ Việt Nam Quang phục Hội thành Việt Nam Quốc dân Đảng theo mẫu của Tôn Trung Sơn, nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã bị bắt.

Phan Chu Trinh cũng đã từng nói “Ngày nay, muốn độc lập, tự do, phải có đoàn thể...” nhưng ông chỉ mới nói mà chưa làm. Còn Đảng Lập hiến (1923), như Nguyễn Ái Quốc nhận định đó không phải là một đảng có tổ chức mà đơn thuần chỉ là một vài nhà trí thức dựa theo kiểu Pháp mà đặt tên đảng. Những thủ lĩnh của đảng này là những người theo quốc tịch Pháp. 

Nhưng dù thành lập hay chưa thì các đảng kiểu đó cũng không thể lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, bởi nó thiếu một đường lối chính trị và tổ chức đúng đắn, chặt chẽ, lại không có cơ sở rộng rãi trong quần chúng.

Nguyễn Ái Quốc, ngay từ khi về Quảng Châu mở các lớp huấn luyện chính trị, đã đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”. Và Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, tập 2, tr 267-268).

Người chỉ ra tấm gương của cách mạng Nga: “Cách mệnh Nga dậy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lenin (chủ nghĩa Marx-Lenin).” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, tập 2, tr 280).

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc không những là người Việt Nam đầu tiên nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết phải có đảng lãnh đạo mà còn chỉ ra rằng đảng đó phải là một đảng kiểu mới, tức là phải khác về chất so với các đảng, các hội chỉ tồn tại trên danh nghĩa trước đó. 

Sớm khẳng định sứ mệnh lịch sử và vai trò cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam

Giữa lúc dân tộc đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh về sau) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới.

Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ để “xem người ta làm thế nào để trở về giúp đồng bào mình” và Người phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở “chính quốc” cũng như ở các thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc sang phương Tây sau Phan Chu Trinh 2 tháng, nhưng không phải trong vai thân sỹ mà trong tư cách người công nhân lao động, từng bước tham gia các hoạt động chính trị-xã hội.

Đầu tiên, Người gia nhập Công đoàn Lao động Hải ngoại ở Anh; rồi đến năm 1917, Người trở lại nước Pháp; năm 1919, gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Và cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp.

Tại Đại hội này, Người đã tán thành theo Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lenin sáng lập), trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam và là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Đó là sự kiện lịch sử trọng đại: Không những Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại - chủ nghĩa Marx-Lenin, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.”

Sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu và viết nhiều bài nghiên cứu về phong trào công nhân ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ..., từng bước nhận thức về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới.

Cuối năm 1922, được tin 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn quyết định bãi công, Nguyễn Ái Quốc coi đó là dấu hiệu chứng tỏ ở Việt Nam “giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình...”

Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra đời là để gánh vác nhiệm vụ lịch sử: giáo dục cho giai cấp công nhân về ý thức và phương pháp tổ chức, đúng như điểm 1 trong Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia 1995, tập 3, tr 3).

Đến đây, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự chuyển biến từ tự phát đến tự giác, ngày càng được tôi luyện và trưởng thành qua đấu tranh. “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, tập 10, tr 9).

Đảng Cộng sản Việt Nam - sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước

Ở các nước tư bản phát triển, như V.I.Lenin đã nói: Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Marx với phong trào công nhân; còn ở Việt Nam, trong điều kiện một nước nông nghiệp thuộc địa nửa phong kiến, công nghiệp chưa phát triển, vào đầu những năm 1920, giai cấp công nhân Việt Nam tuy đã ra đời, nhưng còn rất nhỏ bé.

Bằng kinh nghiệm của bản thân mình: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, Nguyễn Ái Quốc đã đi tới một sáng tạo lớn là đưa chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để từng bước đi tới chuẩn bị thành lập một đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Sau khi Quốc tế III ra đời, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ nhất các dân tộc phương Đông họp tại Bacu-Liên Xô (tháng 9-1920), các đảng cộng sản Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... lần lượt được thành lập. Nhưng Nguyễn Ái Quốc không vội vã, bởi Người đã nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của cách mạng thế giới và những chuyển biến mới trong phong trào cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện chính trị, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về lý luận Marx-Lenin, về lịch sử phong trào cách mạng thế giới, về đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam... rồi đưa họ về nước, đi vào phong trào công nhân, thực hiện “vô sản hoá” về tư tưởng và nếp sống, vừa tự rèn luyện trong thực tế, vừa tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh.

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện được sứ mệnh là người gieo những “hạt giống” của chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất mà chủ nghĩa yêu nước đã được chuẩn bị sẵn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ giữa năm 1929 đến đầu 1930, ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản; và với sự xuất hiện kịp thời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, họ đã thống nhất lại thành một đảng duy nhất. Điều đó chứng tỏ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hiện tượng đã chín muồi và hợp quy luật, mà bộ phận ưu tú do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu chỉ làm nhiệm vụ thúc đẩy cho nó mau tới mà thôi. Mặt khác, nó cũng chứng tỏ sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong việc tìm ra con đường kết hợp chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là một cống hiến lịch sử, một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc có giá trị đóng góp vào lý luận xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân ở những nước thuộc địa và phụ thuộc có hoàn cảnh tương tự như nước ta.

Đảng ta là một đảng trong sạch, cách mạng triệt để

Ngay từ những bài giảng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy.” Và Người nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lenin.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, t2, tr 268).

Do ý thức được nguồn gốc xuất thân của đảng viên ở nước ta khác nhau nên Nguyễn Ái Quốc luôn luôn coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, bồi dưỡng lý luận Marx-Lenin, nâng cao giác ngộ giai cấp cho họ, đưa họ từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp nhuần nhuyễn dân tộc với giai cấp.

Ngoài việc nhấn mạnh phải “học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức,” Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trên trang đầu cuốn “Đường kách mệnh,” Người đã chỉ ra một trong những “tư cách của người cách mệnh” là “cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo… hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất…” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, tập 2, tr.260).

Người nhắc nhở mỗi chiến sỹ cách mạng phải giữ sao cho “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, t6, tr.184).

Kinh nghiệm xây dựng Đảng ta trong hơn 90 năm qua, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay càng làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn rằng: Giáo dục chính trị, xây dựng tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm, chỉnh đốn tổ chức… mà không đặt trên nền tảng đạo đức cách mạng vững chắc thì cũng không có hiệu quả lâu bền.

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cả một kho báu về lý tưởng, lý luận, phương pháp, kinh nghiệm và mẫu mực cách mạng.

Giá trị và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đang ngày càng tỏa sáng, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam và cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong thế kỷ XX, và mãi mãi là ngọn cờ đưa dân tộc Việt Nam tiến lên trong thế kỷ mới./.

TG 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất