Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 11/11/2014 21:16'(GMT+7)

“ Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ngày 11-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn  học, nghệ thuật hiện nay”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; nhà văn, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh, từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII – 1998 đến nay, đi đôi với nhiệm vụ chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta ngày càng coi trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, coi đó là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tạo ra sức mạnh nội sinh quan trọng, to lớn của đất nước, nhằm  đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của chúng ta thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu của công cuôc đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt là chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, là động lức phát triển bền vững đất nước, chưa góp sức tích cực xây dựng đạo đức, nhân cách của con người Việt Nam.

Vì vậy, trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội có chiều hướng gia tăng… Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành  mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng  gia tăng”. Đề cập tình hình phát triển văn học, nghệ thuật của nước ta trong lĩnh vực xây dựng đạo đức, lối sống, Nghị quyết Trung ương 9 đã chỉ rõ: “ Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu thị trường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.

Đồng chí Hồng Vinh cho rằng, những nghệ sỹ - chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, không thể không  khỏi trăn trở, suy nghĩ về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm công dân của mình trước thực trạng xuống cấp đó. Một câu hỏi lớn của xã hội đặt ra là, với vai trò là người thợ xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, đội ngũ văn nghệ sỹ cần phải làm gì và làm như thế nào để góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần  yêu nước, đạo đức, lối sống và nhân cách.

Giáo dục là một chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật. Từ xưa tới nay, trong lịch sử văn hóa nhân loại cũng như trong văn hóa Việt Nam, việc phản ánh đạo đức xã hội nhằm ca ngợi, bảo vệ, hun đúc những giá trị cao đẹp, đấu tranh chống lại cái giả dối, cái ác, cái hèn, cái xấu xa trong đời sống xã hội luôn là đặc điểm bản chất truyền thống của văn học, nghệ thauatj. Vì vậy, luận đề “Văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) luôn luôn là ý thức thường trực của các nghệ sỹ chân chính. Những tác phẩm văn nghệ lớn, có giá trị trường tồn đều là những tác phẩm gắn với vận mệnh nhân loại, vận mệnh dân tộc, vận mệnh con người với giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

Hội thảo khoa học lần này là góp phần để trả lời những câu hỏi trong lĩnh vực sáng tạo văn nghệ ở Việt Nam hiện nay, những vấn đề đạo đức xã hội đang được phản ánh trong các tác phẩm văn học nghệ thuật như thế nào, đâu là thành tựu, đâu là hạn chế và nguyên nhân do đâu. Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả quan các vấn đề nêu trên.

Hội thảo cũng đã nhận được 84 bài tham luận của các tác giả. Các bản tham luận, các ý kiến trình bày cũng như thảo luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề như sau:

Thứ nhất, vấn đề đạo đức xã hội, với tư cách là đối tượng phản ánh của văn học, nghệ thuật đã được thể hiện trong lịch sử văn học, nghệ thuật ở Việt Nam và thế giới thế nào; trong đó, tập trung vào phần văn học, nghệ thuật đương đại.

Thứ hai, thực trạng vấn đề đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay – những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Như Nghị quyết TW 9 (khóa XI) đã đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”; trước thực trạng trên, những vấn đề đặt ra đối với sáng tạo văn học, nghệ thuật là gì? Qua 84 bài tham luận gửi đến cho Ban Tổ chức, chúng tôi thấy một băn khoăn chung trong giới nghiên cứu văn nghệ cả nước là: có phải trong đời sống văn nghệ nước ta hiện nay, chức năng giải trí đang dần dần lấn át chức năng cơ bản khác, trong đó có chức năng giáo dục, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc..? Phải chăng, các nhà sáng tạo văn nghệ hiện nay đang “lảng tránh” việc phản ánh vấn đề đạo đức xã hội, do vậy làm giảm vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi đắp trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam hiện nay? Vậy, chúng ta nên và cần tập trung phản ánh vấn đề đạo đức xã hội như thế nào? Với tính chất đặc thù và sức mạnh riêng có của văn học nghệ thuật, chúng ta không chỉ tập trung ca ngợi cái tốt đẹp, cái cao thượng, hướng con người tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ, mà còn tích cực tham gia chống lại những gì phản đạo đức, phản văn hóa, góp phần dự báo, dẫn đường cho sự phát triển đạo đức, văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội ta.

Thứ ba, với trách nhiệm là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, giới sáng tạo văn nghệ chúng ta xác định trách nhiệm tham gia xây đắp những giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là gì?, nhằm góp phần đạt được mục tiêu: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước?

Có một thực tế “nhạy cảm” cũng được nêu ra để cùng bàn thảo tại Hội thảo này: từ năm 1998, Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII), lần đầu tiên của Đảng ta thẳng thắn đánh giá; trong xã hội ta xuất hiện “sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền”; từ đó đã đề ra những giải pháp phát triển văn hóa nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái nêu trên. Đến nay, tình trạng đó chăng những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà lại “có chiều hướng gia tăng” như đánh giá của Nghị quyết TW 9 (khóa XI) mới đây. Có phải chăng, sự suy thoái ấy nảy sinh tư nhiều nguyên nhân, trong đó có số đông văn nghệ sỹ chưa thật “dấn thân”, có biểu hiện né tránh; hoặc đề cập còn mờ nhạt; đặc biệt chưa góp sức tìm ra những giải pháp quyết liệt, hiệu quả?

Thứ tư, Ban Tổ chức mong nhận những đề xuất giải pháp vừa có tính khoa học cao, vừa cụ thể, khả thi nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật nước nhà.

Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu cho rằng, ở đâu và lúc nào yêu cầu xây dựng đạo đức cũng là yêu cầu mang tính sống còn của con người, của xã hội. Đồng chí Lê Khả Phiêu cũng bày tỏ tin tưởng rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, giàu tâm huyết, giàu tài năng của chúng ta luôn sáng tạo, sàng lọc tạo ra các tác phẩm hay và đặc sắc làm trong lành bầu khí quyển đạo đức xã hội hiện nay.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lại lưu ý văn nghệ sĩ cần đi vào cuộc sống, nắm bắt cuộc sống, phản ánh cuộc sống, hướng cuộc sống tới chỗ ngày càng tốt đẹp hơn; đồng thời nhận rõ giá trị đích thực cần cổ vũ phát huy. Đây cũng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các nhà quản lý các cấp định hướng cho các hoạt động sáng tạo, tạo điều kiện quảng bá các tác phẩm có giá trị, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếp nhận thẩm mỹ của công chúng để từng bước tạo đầu ra cho các tác phẩm có chất lượng...

Hội thảo sẽ diễn ra hết ngày 12-11. Kết quả của Hội thảo cũng chính là việc làm thiết thực góp vào quá trình thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW 9 (khóa XI) của Đảng về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Xuân Phan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất