Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/11/2017 16:17'(GMT+7)

Vận dụng bài học kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga trong xây dựng đội ngũ cán bộ ở Việt Nam

Lãnh tụ V.I.Lênin, người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu/congan.com.vn.

Lãnh tụ V.I.Lênin, người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu/congan.com.vn.

Ngày 7-11-1917 (tức ngày 25/10 theo lịch Nga), cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thắng lợi, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa t­ư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cho đến nay, mặc dù còn có những đánh giá khác nhau, song một thực tế không thể chối cãi là, kể từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, lịch sử nhân loại đã bước sang một trang mới với những biến đổi vô cùng sâu sắc.

1. Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1). Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến nước Nga Sa Hoàng lạc hậu thành một siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa, một thời kỳ dài trong lịch sử là chỗ dựa cho hàng trăm dân tộc đứng lên chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do.

Tuy nhiên, điều đau xót đã xảy ra: Sau hơn 70 năm tồn tại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nguyên nhân chủ yếu là những sai lầm chủ quan về đường lối của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như sự phản bội của những người đứng đầu, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước ở Đông Âu đã sụp đổ. Đó là một tổn thất to lớn đối với những người cộng sản chân chính và phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Song, sự kiện đó không phải là hồi kết của chủ nghĩa cộng sản, như luận điệu của những thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội đã và đang tuyên truyền. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhưng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn soi sáng con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI.

Trong xu thế toàn cầu hóa, lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn còn sức sống lâu bền và tầm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn hết sức sâu rộng trong đời sống nhân loại trên khắp hành tinh. Kết luận trên đây được rút ra từ những thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu ba…; từ sự hồi sinh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở châu Âu và ở các châu lục trên toàn thế giới và từ các cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ở ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. Vì vậy, có thể nói rằng, mặc dù phong trào cộng sản trên thế giới còn gặp muôn vàn khó khăn, song lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn sẽ là lý tưởng nhân loại sẽ từng bước vươn tới bằng con đường riêng của từng dân tộc.

Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đánh thắng các đế quốc sừng sỏ trong thế kỷ XX, nêu gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Hiện nay, các thế lực thù địch, những kẻ chống chủ nghĩa xã hội, những phần tử cơ hội chính trị đang tìm mọi cách phủ nhận những ý nghĩa lịch sử và bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười, nhưng họ không thể phủ nhận được một sự thật là: Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động và ảnh hưởng to lớn đến tiến trình vận động và phát triển của thế giới đương đại. Những lý tưởng cao đẹp mà nhân loại đang tiếp tục hướng tới như độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bác ái cho mọi người, xóa bỏ áp bức, bóc lột, xóa nghèo nàn, lạc hậu, tệ phân biệt chủng tộc... cũng chính là lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười.

Là một cuộc cách mạng xã hội vĩ đại của giai cấp vô sản, Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng nhiều bài học quý báu về phương pháp đấu tranh giành và giữ chính quyền, về vai trò lãnh đạo của chính Đảng vô sản cầm quyền, về phát huy dân chủ trong xây dựng nhà nước pháp quyền, về xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,…. Những bài học đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế phải bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm an ninh quốc gia, từng bước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của dân tộc. Đảng đã sáng suốt lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, tiến tới chủ nghĩa xã hội - xu thế tất yếu cho thời đại mới đã được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười.

2. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những bài học của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu Chiến lược mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, Đảng ta đã tư duy mới về công tác cán bộ và khẳng định xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ của Đảng. Trong chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, mối quan tâm hàng đầu của Đảng là vấn đề nền tảng tư­ tưởng chính trị, bản chất giai cấp công nhân của cán bộ các cấp. Đảng ta coi vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị, bản chất giai cấp công nhân là mấu chốt nhất. Bản lĩnh người cán bộ cách mạng là sự kết tinh những phẩm chất nhân cách ở họ, tạo nên năng lực “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thể hiện tập trung ở tính kiên định, sáng tạo, quyết làm và biết làm.

Dưới ánh sáng của Cách Mạng Tháng Mười, đội ngũ cán bộ của Đảng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, là khâu then chốt của vấn đề then chốt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, Người coi đây là công việc gốc của Đảng. Bản lĩnh người cán bộ cách mạng là sự kết tinh những phẩm chất nhân cách ở họ, tạo nên năng lực “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thể hiện tập trung ở tính kiên định, sáng tạo, quyết làm và biết làm. Người chỉ rõ: “Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Có thế Đảng mới thành công”(2). Người cán bộ có bản lĩnh là người rất trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi. Đó cũng là người biết tuỳ cơ ứng biến, hết sức sáng tạo vì nước, vì dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ của Đảng tuy đã đạt đ­ược những thành tích nhất định. Phần lớn cán bộ của Đảng-của dân đã đ­ược rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, học tập, công tác và tỏ ra nhiệt tình trách nhiệm, hăng hái, năng động, sáng tạo. Đại bộ phận đã giữ được phẩm chất, đạo đức, có quan hệ máu thịt với nhân dân, đ­ược nhân dân tín nhiệm. Đó là nguồn lực to lớn hết sức quí báu cần đư­ợc tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, trong thời gian qua một số cơ quan, đơn vị, địa phương do chư­a làm tốt công tác xây dựng, đào tạo cán bộ nên dẫn đến một hệ quả tất yếu là đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà n­ước còn có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa, thiếu cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi, cán bộ kinh tế, cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành, thừa cán bộ yếu cả phẩm chất đạo đức lẫn năng lực chuyên môn, và chưa được đào tạo cơ bản. Nhận thức rõ điều này, Đảng đã yêu cầu: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”(3). Bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng con đường xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo mấy định hướng cơ bản sau:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Sự vững mạnh của đội ngũ cán bộ, trước hết phụ thuộc vào trách nhiệm chính trị của cấp ủy và cán bộ chủ trì. Việc thực hiện các khâu, các bước trong xây dựng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ là kết quả của sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì. Do đó, cùng với việc tiến hành chặt chẽ, đồng bộ các bước xây dựng, đào tạo cán bộ cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đối với cấp ủy và người chủ trì. Cần tiến hành tốt các đợt sinh hoạt chính trị, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ chủ trì.

Hai là, thường xuyên thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, coi đây là khâu đột phá chiến lược trong công tác cán bộ. Các cấp ủy chỉ đạo tập trung, tích cực thực hiện tốt phương châm: Vừa đẩy mạnh việc luân chuyển, vừa thận trọng, giải quyết tốt quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa coi trọng mục đích đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Quá trình thực hiện công tác luân chuyển cần có bước đi thích hợp, làm tốt công tác tư tưởng, nêu rõ mục đích, yêu cầu luân chuyển đối với nơi đi, nơi đến và đối với cán bộ được luân chuyển, đồng thời theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.

Ba là, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong bố trí, sử dụng cán bộ. Dân chủ, công khai, minh bạch trong bố trí, sử dụng cán bộ là biểu hiện của việc chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng. Song song với phát huy trách nhiệm của các cấp uỷ và người đứng đầu, cơ quan tổ chức cán bộ cần phải tạo điều kiện để đảng viên, các tổ chức quần chúng và nhân dân tham gia theo dõi, phản biện, giám sát kết quả phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, quy hoạch, đồng thời góp phần ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vận dụng những bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện mới ở Việt Nam, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Thượng tướng, VS. TS. Nguyễn Huy Hiệu
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, t.15, tr.387.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002; t.9, tr.287.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2016, tr. 207.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất