Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 27/8/2020 14:8'(GMT+7)

Văn hóa - Sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước

Bài cồng chiêng mừng lúa mới dân tộc Jơ Rai. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)

Bài cồng chiêng mừng lúa mới dân tộc Jơ Rai. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)

Trải qua 75 năm kể từ khi thành lập nước, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đề cao vai trò của văn hóa và khai thác văn hóa như nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế-xã hội, phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam.

Động lực quan trọng của sự phát triển đất nước

"Văn hóa” là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình lịch sử, là những hiểu biết của con người, thể hiện nếp sống, tính cách, cấp độ tư duy, trình độ phát triển, phẩm giá của mỗi người và mỗi dân tộc.

“Văn hóa” cũng là những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, văn hóa có vai trò, sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi,” “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy,” “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến và phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa,” “Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị...”

Người luôn nhắc nhở cán bộ làm công tác văn hóa phải hết sức quan tâm, chú trọng, dành nhiều thời gian và sự tâm huyết để chăm lo, xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Kế thừa, phát huy những tư tưởng, quan điểm của Người về văn hóa, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng hay trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng luôn quan tâm, chú trọng, đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước.

Cụ thể, từ đại hội VI (năm 1986) trở đi, các Văn kiện của Đảng luôn dành cho văn hóa một vị trí quan trọng và luôn có những tư tưởng mới bổ sung để làm giàu thêm nhận thức về một lĩnh vực đầy nóng bỏng của xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6/1991) đã xác định nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc là một trong 6 đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; năm 1998, với Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,” Đảng khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội...

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI, lần đầu tiên Đảng đã cụ thể và nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa “là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, cùng quan điểm chỉ đạo “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.”

Ngoài ra, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, luật, nghị định, quyết định... liên quan đến lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy văn hóa của đất nước phát triển; đồng thời ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa thông tin cũng không ngừng gia tăng.

Nhiều thành tựu

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong mấy chục năm qua, các sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, chất lượng.

Văn học, nghệ thuật đã tạo ra nhiều tác phẩm phản ánh mọi lĩnh vực đời sống. Các ngành nghệ thuật biểu diễn có sự phát triển phong phú và đa dạng, mỗi năm đã dàn dựng được hàng trăm chương trình, vở diễn, tiết mục mới.

Nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật đã có bước phát triển năng động, thích nghi với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Sức sáng tạo của nhân dân được phát huy trong các hoạt động sáng tác, biểu diễn, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Giá trị văn hóa phong phú đặc sắc của các dân tộc được kế thừa và phát triển, làm nền văn hóa dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa Việt Nam, được thế giới công nhận và trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú.

Công tác sưu tầm, bảo quản, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đã đạt nhiều thành tựu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân dân.

Nhờ có đường lối và chính sách đúng mà hàng nghìn di tích văn hóa được trùng tu, tôn tạo; hàng trăm lễ hội truyền thống được phục hồi; nhiều làn điệu dân ca, các truyền thuyết, các bộ sử thi... di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia, quốc tế, trở thành những di sản chung của văn hóa nhân loại; đồng thời trở thành tài nguyên độc đáo của du lịch Việt Nam.

Đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.498 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng, thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật.

Văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số được chú trọng, đầu tư phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn, khẳng định giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam.

Đời sống văn hóa tinh thần, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được khôi phục, tôn trọng. Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt đời sống tinh thần nhân dân. Lĩnh vực báo chí liên tục phát triển phong phú và đa dạng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, thông tin kịp thời các hoạt động chính trị-xã hội, phản ánh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của nhân dân.

Năm 2019, có 850 cơ quan báo in, báo điện tử; 72 đài phát thanh, đài truyền hình (cả địa phương và trung ương). Về lĩnh vực xuất bản, chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực.

Các loại sách về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, văn học, thiếu niên, nhi đồng, khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường... ngày càng phong phú và có chất lượng tốt.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã có những chuyển biến tích cực góp phần hoàn thành chung các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh” được triển khai rộng rãi và đi vào chiều sâu, thu được kết quả tích cực; Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo rộng khắp, thể hiện đạo lý của dân tộc và những giá trị nhân văn của con người Việt Nam.

Văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, nâng cao tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người. Hoạt động thể dục, thể thao ngày càng được mở rộng, đạt nhiều thành tích cao của khu vực và thế giới.

Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, từng bước phát triển theo chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Hội nhập quốc tế về văn hóa có nhiều thành tựu. Nhiều giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa mới của nhân loại được tiếp nhận góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức nhằm tôn vinh và khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc.

Có thể thấy, cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng-an ninh… nguồn lực văn hóa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, chi phối, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất