Thứ Bảy, 23/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 23/3/2013 23:1'(GMT+7)

Văn học nghệ thuật là mắt xích quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng

Ngày 23/3, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII  “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, UV Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự hội thảo.

Theo số lượng thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, số lượng văn nghệ sỹ cả nước do các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố là 40.000 người. Trong sáng tạo nghệ thuật, các tác phẩm văn nghệ đều phản ánh hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hôm nay. Các tác giả tiếp tục tái hiện hiện thực cách mạng và kháng chiến hào hùng của dân tộc ta, lịch sử kiên cường bất khuất và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân. Văn nghệ cổ vũ cái đúng, cái đẹp, cái mới, tiến bộ, tạo dựng  những tấm gương điển hình của con người thời đại: người lao động sáng tạo, người làm giàu chân chính cho đất nước, bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh xã hội. Văn nghệ phê phán khá mạnh mẽ cái tiêu cực như tình trạng mất dân chủ, tham nhũng, lộng quyền và lạm quyền, thoái hóa biến chất về lý tưởng, đạo đức, lối sống…

Từ  năm 2000, Nhà nước đảm bảo hỗ trợ cho việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm, duy trì hoạt động của tổ chức Hội Văn học, nghệ thuật với tư cách là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Nhà nước đã thực hiện thể chế hóa tổ chức của Hội. Song đội ngũ văn nghệ sỹ đã có sự phân hóa. Một bộ phận lớn văn nghệ sỹ  (những người cao tuổi gắn bó với cách mạng và kháng chiến) là lực lượng nòng cốt của các Hội VHNT vẫn giữ quan điểm sáng tác của Đảng. Một bộ phận văn nghệ sỹ trẻ, có tài, có tác phẩm  hiện nay hành nghề tự do. Tác phẩm của họ có nội dung chủ yếu đề cập tới hiện thực đời sống xã hội đương đại với cách  nhìn, cách nghĩ của giới trẻ, ít có chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi, có tác động không nhỏ tới thị hiếu thẩm mỹ của công chúng (nhất là giới trẻ).

Về nghiên cứu, lý luận, phê bình, đã đẩy lùi khuynh hướng phủ nhận thành tựu của văn nghệ cách mạng, kháng chiến, kiên trì bảo vệ và phát triển đường lối văn học nghệ thuật Mácxit –Leninit và tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh.

Bước đầu quan tâm thu hút lực lượng văn nghệ sỹ Việt Nam yêu nước tiến bộ đang định cư ở nước ngoài về nước tham gia sáng tác, biểu diễn, phát huy những giá trị truyền thống văn nghệ của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Thực hiện hợp tác giao lưu văn hóa với nước ngoài qua dịch thuật, xuất bản, lưu diễn, tổ chức trại sáng tác quốc tế ở Việt Nam và dự các liên hoan văn nghệ, các cuộc thi biểu diễn ở nước ngoài.

Về tư tưởng của văn nghệ sỹ, đại bộ phận anh chị em văn nghệ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Điều đó thể hiện qua sự kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo của người nghệ sỹ, gắn bó với các giá trị truyền thống  yêu nước và cách mạng khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận những giải pháp, kiến nghị để công tác văn hóa, văn học nghệ thuật thực sự đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của Đảng và Nhà nước. Đó là:

- Cần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng và chính quyền về vai trò, vị trí của văn hóa, văn nghệ, xác định rõ mô hình tổ chức Hội văn học nghệ thuật là một mắt xích quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng và Nhà nước.

- Từ Trung ương đến địa phương củng cố tổ chức các Hội văn học nghệ thuật. Bố trí cán bộ làm công tác văn học nghệ thuật nắm vững quan điểm, đường lối, các chính sách về văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ, động viên sáng tác để có được những sản phẩm văn hóa, văn nghệ tốt phục vụ nhân dân.

- Tăng cường biên chế, cơ sở vật chất cho một số hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, đủ mạnh để thực hiện công tác văn học nghệ thuật. Phải xem công tác văn hóa, văn nghệ là của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp ủy Đảng và Chính quyền.

- Phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban của Đảng xây dựng cơ chế chính sách về mặt tổ chức cho Văn học nghệ thuật.

- Cần có thái độ ứng xử đúng đối với cán bộ làm công tác Văn học nghệ thuật là công chức nhà nước.

Nam Hải


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất