Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong phần đánh giá về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo thế giới 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng, chính quyền tiếp tục “đàn áp” những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Pháp luật Việt Nam với những điều khoản “mơ hồ cho Nhà nước kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc”. Cán bộ an ninh một số địa phương gây sức ép, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức tôn giáo chưa được cấp phép đăng ký hoạt động. Chính quyền “quấy rối, cản trở” sinh hoạt của tín đồ Công giáo ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai. Còn trong Báo cáo thường niên của USCIRF, mặc dù đã công nhận Việt Nam có những bước tiến trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, nhưng Báo cáo này lại đánh giá sai lệch, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, khi cho rằng: mặc dù Chính phủ đã nhìn nhận sự đa dạng của tôn giáo nhưng lại chỉ chấp nhận hoạt động của những tôn giáo đã được đăng ký với Chính phủ. Chính quyền “đã gia tăng bắt bớ các blogger, những nhà hoạt động xã hội dân sự và cả những người theo các tôn giáo không được nhà nước thừa nhận”. Báo cáo của USCIRF đã đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC) vì “có những đàn áp nghiêm trọng nhằm vào tôn giáo trong năm 2017”.
Vì sao Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục lặp lại luận điệu xuyên tạc cũ rích về tình hình tôn giáo ở Việt Nam như vậy? Bởi cũng như USCIRF, Bộ này đã lấy thông tin chủ yếu từ một số nghị sĩ cực đoan Mỹ, những cá nhân bất mãn, chống đối trong nước và các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức phi chính phủ quốc tế thường lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam cung cấp để xây dựng Báo cáo. Đó là các thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, phản ánh sai lệch tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cả Bộ Ngoại giao Mỹ, USCIRF đã cố tình áp đặt những định kiến chủ quan của họ để đưa ra những nhận xét sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, bất chấp những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Suy cho cùng, mục đích ra Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và USCIRF là nhằm hậu thuẫn, tiếp sức cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật núp dưới vỏ bọc “đấu tranh cho tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp nội bộ nước ta. Quan niệm khác nhau về tín ngưỡng, tôn giáo giữa các quốc gia là điều bình thường, nhưng điều cần nói ở đây là Chính phủ Mỹ không có quyền áp đặt mô hình tôn giáo của mình cho các quốc gia khác trong đó có Việt Nam, điều đó chỉ làm tổn hại đến quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển hết sức tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam.
Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay từ ngày mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL khẳng định:“Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo của Người, Đảng ta đã khẳng định: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”. Trên cơ sở thể chế hóa quan điểm của Đảng, luật pháp quốc tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24); “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2, Điều 14); nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.Điều này hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này, như Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị năm 1966 đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng”, “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác” (Điều 18). Đặc biệt, việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là cơ sở pháp lý quan trọng khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước tạo thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trên lĩnh vực này; hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thực tế.
Với những chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, có thể dễ dàng nhận thấy những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện phát triển như hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, từ 6 tôn giáo với 16 tổ chức tôn giáo (năm 2005), hiện nay ở nước ta đã có 15 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 25 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), hơn 83 nghìn chức sắc, nhà tu hành, gần 134 nghìn chức việc, 27 nghìn cơ sở thờ tự (năm 2017). Các tôn giáo đã có hệ thống đào tạo quy mô trong cả nước, trong đó, Phật giáo có 04 Học viện, 35 trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học; Công giáo có 07 Đại Chủng viện; Tin lành có 01 Viện và 01 trường Thánh kinh Thần học, v.v. Các địa phương đã giải quyết cơ bản việc lập hồ sơ, xét giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tôn giáo; thủ tục hành chính giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ chức sắc theo cơ chế “một cửa” diễn ra công khai, nhanh gọn. Các cơ sở thờ tự tôn giáo được chính quyền các cấp tạo điều kiện tu sửa, nâng cấp và xây mới. Ngày càng nhiều các chức sắc, nhà tu hành tham gia quản lý nhà nước và xã hội, là đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhà nước tạo điều kiện cho nhiều đoàn tôn giáo quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam và cho phép nhiều đoàn chức sắc tôn giáo trong nước đi thăm, làm việc ở nước ngoài. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đã có báo, tạp chí, bản tin; Nhà nước đã cấp phép xuất bản kinh sách bằng các tiếng dân tộc và bằng song ngữ Việt với nhiều quốc gia, v.v. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức trên toàn quốc. Đồng bào các tôn giáo thực sự trở thành lực lượng quan trọng hưởng ứng các phong trào Thi đua yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Những năm qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện các nghĩa vụ, cam kết quốc tế về quyền con người, như: Đảm nhận tốt vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; tham gia tích cực, có trách nhiệm Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR), đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đặc biệt là thực hiện 182 khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ II mà Việt Nam chấp thuận nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người. Việc làm đó, đã thể hiện Việt Nam là một quốc gia tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, được Liên hợp quốc đánh giá cao. Đó là bằng chứng sinh động nhất khẳng định mạnh mẽ nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người; trong đó, có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và là một sự thật khách quan không ai có thể phủ nhận được.
Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật, đồng thời nghiêm cấm hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của công dân. Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở một số địa phương, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai,… đã bắt giữ, xử lý một số chức sắc, tín đồ tôn giáo và công dân vì đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của người dân, truyền bá mê tín dị đoan, phát triển tà đạo, tạp đạo hoặc các tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước chứ không hề có chuyện chính quyền “đàn áp, bắt bớ” trái pháp luật các tín đồ, chức sắc tôn giáo như Báo cáo đã nêu. Đó là việc làm bình thường không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác kể cả ở Mỹ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự công cộng. Cũng như mọi hoạt động bình thường khác, việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Các tôn giáo ở Việt Nam muốn phát triển được đều phải đặt dưới sự quản lý của Nhà nước, không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Mỹ là quốc gia tự cho mình luôn đảm bảo tự do tôn giáo thì cũng là nơi bị lên án vi phạm quyền này. Điển hình là Hội đồng Giám mục Mỹ đã nhiều lần tố giác đạo luật tại một số bang ở Mỹ đe dọa hoặc kỳ thị các tín đồ Ki-tô, đặc biệt là Công giáo, như luật buộc các tổ chức Công giáo phải trả bảo hiểm ngừa thai cho các nhân viên. Đặc biệt, sau sự kiện khủng bố xảy ra ở Mỹ ngày 11-9-2001, hiện tượng “bài Hồi giáo” ngày càng diễn ra phổ biến tại Mỹ. Chính Richard Rorty, triết gia nổi tiếng người Mỹ đã nói: “Nếu chủ nghĩa phát xít đến Hoa Kỳ, nó sẽ liên kết với sự cố chấp tôn giáo. Tôi thú nhận rằng nếu phải đánh cược nước nào tới đây sẽ bị phát xít hóa, chắc tôi chọn Hoa Kỳ”. Điều đó cho thấy, ngay nội tại nước Mỹ cũng vẫn diễn ra các vụ việc vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân. Vậy thì hà cớ gì mà Chính phủ Mỹ có quyền đi phán xét vấn đề tôn giáo của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam ?
Nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển, Nhà nước ta luôn hoan nghênh các chính khách Hoa Kỳ và đại diện USCIRF tới thăm, làm việc tại Việt Nam để tăng cường sự hiểu biết và có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tránh đưa ra những đánh giá sai lệch, xuyên tạc vấn đề này ở Việt Nam như các Báo cáo thường niên vừa qua đã nêu.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng Toàn dân