Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
(3/2/1930-3/2/2013), 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân
1968 (1968 – 2013), 40 năm ngày ký Hiệp định Paris
(27/1/1973-27/1/2013), t ối 2/2, tại 3 điểm cầu: Hội trường Thống Nhất
(TP.Hồ Chí Minh), Kỳ đài – Quảng trường Ngọ Môn (TP. Huế) và Tượng đài
chiến thắng thuộc Bảo tàng Quân khu 9 (TP.Cần Thơ) đã diễn ra chương
trình cầu truyền hình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng
ca mùa Xuân”, do Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND TP.
Cần Thơ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Báo Quân đội Nhân dân phối hợp
thực hiện.
Tham dự chương trình tại các điểm cầu có
nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số
cơ quan Trung ương, Quân khu 7, Quân khu 9, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh
đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh và các đại biểu
quốc tế. Chương trình còn có sự hiện diện của các mẹ Việt Nam anh hùng,
anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng, cùng
đông đảo nhân dân tại 3 điểm cầu.
Tại 3 điểm cầu,
khán giả cả nước đã có dịp ôn lại những ký ức hào hùng và vẻ vang của
cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Sài Gòn - Gia
Định là trọng điểm lớn nhất vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ
bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Ngụy. Ngay trong đêm tiến công đầu
tiên, các đội biệt động Sài Gòn đã nhằm vào những mục tiêu vốn được xem
là bất khả xâm phạm của địch, như: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ
Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh... Các trận chiến
đấu diễn ra trong thế giằng co ác liệt. Tại Huế, pháo binh Quân giải
phóng đồng loạt bắn vào các mục tiêu của địch, mở đầu cho cuộc tổng tiến
công vào nội đô Huế. Tại Đà Nẵng, trận pháo kích vào sân bay Nước Mặn
đã báo hiệu giờ tổng tấn công và nổi dậy cho quân và dân Đà Nẵng. Tại
TP.Cần Thơ, một trong hai trọng điểm tiến công của chiến trường Khu 9,
quân dân Việt Nam đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu chủ chốt
của quân Mỹ và Sở chỉ huy Quân đoàn 4, Vùng 4 chiến thuật của quân đội
Sài Gòn.
Cả miền Nam ngùn ngụt khí thế cách
mạng, sục sôi tinh thần chiến đấu. Chiến thắng Xuân Mậu Thân trở thành
một trong những sự kiện lịch sử đã đưa cách mạng Việt Nam lên một tầm
cao mới, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ,
buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, phải ngồi vào bàn đàm phán ở Hội
nghị Paris và sau đó rút quân về nước. Trong không khí tự hào, các ca
khúc như “Bão nổi lên rồi”, “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại
thắng”, “Cô gái Sài gòn đi tải đạn”, “Xuân chiến khu”, “Dáng đứng Việt
Nam”’ “Bản hùng ca mùa xuân”… như đưa người xem sống lại thời khắc lịch
sử huy hoàng và vẻ vang của thế hệ cha ông đi trước.
Đặc biệt, khán thính giả cả nước được xem lại những thước phim tư liệu
lịch sử và lắng nghe những câu chuyện lịch sử đầy xúc động của các nhân
chứng tham gia mặt trận Mậu Thân tại Huế, Sài Gòn – Gia Định và Cần Thơ
như: đồng chí Nguyễn Trung Chính – nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy
Thừa Thiên - Huế, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Đại tá Nguyễn
Văn Tàu (Tư Cang); Thiếu úy Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) – nguyên biệt
động Sài Gòn; Trung tướng Nguyễn Thới Bưng – Sư đoàn phó Sư đoàn 9 trong
Mậu Thân; Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) – nguyên chính trị viên
Đại đội 23 – Tiểu đoàn Tây Đô… và câu chuyện anh dũng của tiểu đội 11 cô
gái sông Hương cùng bộ đội chủ lực đánh chặn một tiểu đoàn Mỹ…/.
TT