Thứ Ba, 26/11/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 10/6/2012 22:29'(GMT+7)

“Vẽ” Chính phủ điện tử tương lai cho Việt Nam

Nhiều kinh nghiệm quốc tế hay về việc xây dựng Chính phủ điện tử đã được chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách CNTT Việt Nam. Ảnh: Xuân Bách.

Nhiều kinh nghiệm quốc tế hay về việc xây dựng Chính phủ điện tử đã được chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách CNTT Việt Nam. Ảnh: Xuân Bách.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết Chính phủ Việt Nam đã đặt mục đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 sẽ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; tích hợp các hệ thống thông tin, tạo lập được môi trường mạng rộng khắp phục vụ đa số các hoạt động của các cơ quan Nhà nước; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

Bên cạnh việc tiếp tục phát huy hiệu quả các hệ thống đã được triển khai thời gian qua như hệ thống một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành,.... trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến triển khai các hệ thống lớn trên phạm vi toàn quốc như các cơ sở dữ liệu quốc gia (về thủ tục hành chính, dân cư, đất đai, công chức, thương mại,...), hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống trao đổi văn bản điện tử tích hợp toàn quốc,...

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng bày tỏ hy vọng Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, bày tỏ ý kiến, quan điểm nhằm cung cấp nhiều thông tin bổ ích phục vụ phát triển chính phủ điện tử một cách hiệu quả.

Tại hội thảo này, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận rất nhiều vấn đề “nóng” xung quanh sự phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam trong tương lai đặt trong bối cảnh phát triển Chính phủ điện tử của thế giới.

Điển hình như xu thế phát triển “đám mây Chính phủ” (G-Cloud) nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả ứng dụng trong hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan Chính phủ. Nhiều chuyên gia cho rằng hiện các cơ quan Chính phủ tại Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng triển khai công nghệ đám mây bởi còn vướng về cơ chế chính sách, kinh phí đầu tư… và đặc biệt là chưa an tâm về sự an toàn bảo mật chi đưa thông tin dữ liệu “lên mây”.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là cần phải có sự tương tác, kết nối, liên thông giữa các cơ quan Chính phủ trong Chính phủ điện tử. Hiện các Bộ, ngành ở Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT song vẫn chỉ mang tính chất phát triển nội bộ Bộ, ngành, đặc biệt là chưa thực sự thực hiện được cơ chế chia sẻ thông tin liên Bộ, ngành.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã thẳng thắn “mổ xẻ” những bất cập đang là “lực cản” đối với hoạt động triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề kỹ thuật mà chính là sự thiếu nhận thức, ý chí quyết tâm của lãnh đạo cấp cao nhất của các cơ quan, đơn vị.

Chiều cùng ngày, đã có 3 dự án CNTT lớn được vinh dự trao Giải thưởng FutureGov Awards, gồm: Dự án Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Trung tâm thông tin - Bộ Ngoại giao; Dự án Hệ thống thông tin quản lý dân số và kế hoạch hóa gia đình của Trung tâm Thông tin - Tổng cục Dân số; và Dự án Phát triển Chính phủ điện tử cho Đà Nẵng tới năm 2015 của Sở TT&TT TP.Đà Nẵng./.

Xuân Bách - ICTnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất