Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nền tảng Chính phủ điện tử (CPĐT) đang được tăng tốc xây dựng vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Có nhiều khái niệm về CPĐT được đưa ra bởi nhiều tổ chức quốc tế uy tín. Tựu trung lại, CPĐT là việc ứng dụng công nghệ thông tin, internet và mạng toàn cầu (world wide web) để nâng cao chất lượng hoạt động của chính phủ, giảm phiền hà, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.
Năm 2018, Việt Nam tăng 1 bậc, xếp hạng 88/193 quốc gia về Chỉ số phát triển CPĐT (EGDI) và tăng 15 bậc, xếp hạng 59/193 quốc gia về Chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) so với năm 2016. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc vào năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025. Việc xây dựng CPĐT được xác định rõ là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN; phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, xây dựng CPĐT tiến tới Chính phủ số là xu thế tất yếu của tất cả quốc gia trên thế giới. CPĐT giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả xử lý công việc, tăng cường sự giám sát và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
SỰ CHUYỂN ĐỘNG CỦA CẢ BỘ MÁY
Kết quả tổng hợp do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cho thấy, đến nay, 100% bộ, cơ quan đã thành lập ban chỉ đạo và có kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP (ngày 7-3-2019) của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Chính phủ, các bộ, cơ quan cũng đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet). Các bộ, cơ quan ngang bộ đang triển khai nâng cấp cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ. Một số bộ, như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương đã hoàn thành và đang chạy thử nghiệm.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản; điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ đạt mức độ 3, đồng thời cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. |
Các bộ, cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12-3-2019 đến ngày 21-7-2019 đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận; 62/95 bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; cung cấp 157.000 chứng thư số cho 86/93 bộ, ngành, địa phương và 314/431 lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh; 85/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 68/95 bộ, ngành, địa phương sử dụng máy chủ bảo mật riêng; 27/95 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp. Có 7 bộ, cơ quan ngang bộ đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng thúc đẩy thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong dịch vụ công; xây dựng mô hình kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí dịch vụ công.
Ngay cả Bộ Quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực rất đặc thù với yêu cầu bảo mật cao nhưng cũng đã tham gia rất tích cực vào việc xây dựng CPĐT, là một trong 7 bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỷ lệ văn bản điện tử có chữ ký số gửi Văn phòng Chính phủ qua trục liên thông văn bản quốc gia từ ngày 12-3-2019 đến ngày 22-7-2019 đạt 22%. Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 86 khẳng định, thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ văn bản điện tử có chữ ký số.
CẦN TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ
Tuy vậy, đến nay, vẫn còn nhiều việc cần tiến hành gấp để thực hiện cho được kế hoạch, mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong lộ trình xây dựng CPĐT. Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Cao Lục: Một số bộ, cơ quan đến nay vẫn chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý và quản lý văn bản điện tử; chưa thực hiện đúng quy định về thể thức, hình thức ký số; vẫn còn tình trạng gửi văn bản điện tử ký số nhưng không đủ thành phần hồ sơ kèm theo, không được ký số hoặc không chuyển đúng địa chỉ gây khó khăn trong quá trình tiếp nhận, xử lý văn bản. Một số bộ, cơ quan chưa đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng, nâng cấp cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử; chưa hoàn thành việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn: Nhiều DN, sở, ngành chưa kết nối trục liên thông, nên các bộ vẫn phải gửi văn bản giấy. Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Xây dựng) Nguyễn Ngọc Quang cho biết: "Một số bộ, địa phương gửi văn bản điện tử nhưng không có chữ ký số của lãnh đạo, chỉ ghi chung chung như thứ trưởng đã ký. Bộ Xây dựng gửi văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia tới các địa phương, nhưng một số địa phương không khởi tạo trên trục liên thông và phản hồi là không nhận được. Vì thế, Bộ Xây dựng vừa phải gửi văn bản điện tử qua trục liên thông, vừa gửi qua email, đồng thời vẫn phải gửi bản giấy qua đường công văn truyền thống nên thành ra rườm rà hơn".
Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Đỗ Thái Hà cho hay, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền để việc vận hành nền tảng của CPĐT được trơn tru. Chính phủ đã ban hành nghị định, Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư về mô hình một cửa của các bộ, cơ quan. Vì vậy, các bộ, cơ quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản này để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả; tích cực tham khảo kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thành công mô hình một cửa liên thông để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Thời hạn Chính phủ đặt ra để các bộ, ngành phải thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 17/NQ-CP không còn nhiều. Có thể nói, CPĐT đã “gõ cửa” rất dồn dập tới từng bộ, ngành, địa phương. Chỉ có quyết tâm rất lớn với tinh thần ưu tiên cao nhất dành cho việc thực hiện nhiệm vụ này, các bộ, ngành, địa phương mới không bị trễ “chuyến tàu tốc hành 4.0" của cả nước.
Theo QĐND