Thứ Bảy, 21/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 31/8/2016 21:53'(GMT+7)

Việc lấy ý kiến dân còn hình thức


Còn nhiều bất hợp lý

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một số luật chưa có hiệu lực thi hành đã có sai sót, chứng tỏ quá trình lấy ý kiến người dân trong khi xây dựng luật có vấn đề. Việc làm luật khiến cho người dân có cảm giác có luật được xây dựng và đặt ra chỉ tiêu về thời gian, dẫn đến việc bỏ qua một số công đoạn. PGS. Chí băn khoăn, một số cơ quan có thực sự muốn lấy ý kiến người dân hay không? Có đủ năng lực tiếp thu ý kiến của người dân và các chuyên gia hay không? Đây có thể là lý do khiến nhiều luật không sát thực với đời sống nhân dân.

Bà Tạ Thị Hoa - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định: “Trong mấy năm trở lại đây, mặc dù quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã không còn khép kín trong các cơ quan có thẩm quyền, hoạt động triển khai lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp đã được thực hiện rộng rãi, công khai, tuy nhiên vẫn chưa đi vào thực chất. Doanh nghiệp tham gia vào quy trình hoạch định chính sách còn rất hạn chế. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan”.

Để có thể hình dung được “bức tranh” hoạt động xây dựng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - những đối tượng được cho là yếu thế, dễ bị tổn thương bởi sự điều chỉnh của chính sách, qua đó nhận biết được thực trạng, vướng mắc cũng như các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp kiến nghị nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động này, VCCI đã tiến hành điều tra khảo sát “Thực tiễn tham gia xây dựng chính sách và pháp luật tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”. Theo bà Hoa, khảo sát này được thực hiện khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định của luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải tổ chức lấy ý kiến dự thảo văn bản pháp luật bằng “hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo để góp ý, tổ chức hội thảo, thông qua Trang thông tin điện tử của Chính phủ, của cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng”. Tức là, việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của dự thảo văn bản pháp luật là nghĩa vụ bắt buộc của cơ quan chủ trì soạn thảo với hình thức lấy ý kiến khá đa dạng. VCCI đã lựa chọn các phương thức thường được sử dụng như: Mời họp cơ quan soạn thảo; gửi công văn/email/fax/điện thoại của cơ quan nhà nước, VCCI, hiệp hội doanh nghiệp; mời tham gia và phát biểu tại hội thảo... để hỏi ý kiến doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, khoảng 49% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát chưa từng được hỏi ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào.

Để luật gần gũi hơn với cuộc sống

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, cần thay đổi nhận thức về vai trò của người dân trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo PGS. Nguyễn Ngọc Chí, trong việc xây dựng luật, người dân có quyền tham gia còn cơ quan soạn thảo có trách nhiệm phải tiếp thu và giải trình. Khi kết hợp cả 2 với nhau thì mới có thể nâng cao được chất lượng làm luật và ra đời những luật đúng đắn, hợp lý

Luật sư Lê Đức Bính - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, ở nhiều nước, pháp luật rất ổn định và sát thực bởi các quy định được xây dựng trên cơ sở yêu cầu và đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân trong quy trình xây dựng pháp luật là rất cần thiết, song Luật sư Bính cũng cho rằng, không phải dự thảo văn bản pháp luật nào cũng lấy ý kiến nhân dân, có những vấn đề cần phải lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia. Bên cạnh đó, cần khảo sát và đánh giá chính xác các tồn tại, vướng mắc trong thực tế, phân tích các xu hướng để xây dựng chính sách pháp luật cho phù hợp. Ông Bính cũng cho rằng, việc lấy ý kiến các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng pháp luật là rất quan trọng vì ý kiến của các tổ chức này thường đã được nghiên cứu kỹ lưỡng nên có tính bền vững và ổn định cao.

Góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, công khai, minh bạch là lý do quan trọng thu hút người dân tham gia các hoạt động tham vấn trong quá trình xây dựng pháp luật. Tính công khai trong quá trình tham vấn đã được cải thiện trong vài năm gần đây nhờ có quy định đăng tải sớm các dự thảo văn bản pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet. Nhưng chỉ một số rất ít báo lớn đăng tải dự thảo; các phương tiện truyền thông khác như phát thanh, truyền hình khó có khả năng đáp ứng; internet thì chưa thật sự thông dụng đối với tất cả mọi người, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Điều đó có nghĩa là người dân không dễ có điều kiện để đọc, chưa nói là có các dự thảo để nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Vì vậy, yêu cầu lấy ý kiến đa số người dân trong quy trình soạn thảo các văn bản pháp luật là hình thức.

Xu hướng tổ chức tham vấn về dự thảo văn bản pháp luật một cách hình thức, cho đủ thủ tục không phải là không có - nêu thực tế này, ông Dung cũng chỉ rõ, việc xây dựng một dự luật trước hết, phải xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, được các chuyên gia giỏi soạn thảo; sau đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lựa chọn đối tượng để tham vấn ý kiến và phản hồi thông tin cho đối tượng tham vấn. Việc xác định đúng đối tượng lấy ý kiến là một trong những yêu cầu tiên quyết nhằm bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm của hoạt động này, góp phần bảo đảm chất lượng của các dự thảo văn bản pháp luật - ông Dung nhấn mạnh.  

Hoàng Phương (daibieunhandan.vn)






Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất