Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
Ở Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những cải cách pháp
lý quan trọng nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp
năm 2013 về một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản hàng đầu,
trong đó có việc cụ thể hóa các giới hạn của quyền tín ngưỡng, tôn giáo
và nâng cao trách nhiệm bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của mọi người.
KHÔNG NGỪNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT, CHÍNH SÁCH VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, với khoảng 95% dân số
có tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
được khẳng định tại Hiến pháp 2013.
Đặc biệt, việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị
định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững
chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 lần đầu tiên xác nhận các tổ chức tôn
giáo là pháp nhân phi thương mại; giảm thời gian hoạt động tôn giáo ổn
định, liên tục để công nhận tổ chức tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm,
điều chỉnh nhiều thủ tục từ đăng ký-cấp phép, đề nghị-chấp thuận sang
hình thức thông báo (thông báo người được phong phẩm, suy cử, thuyên
chuyển, bãi nhiệm chức sắc, hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo...);
điều chỉnh thẩm quyền chấp thuận các hoạt động lớn của các tổ chức tôn
giáo giúp tinh giảm các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự
2015 quy định hình phạt đối với tội “Xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người khác.”
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã không
ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng,
tôn giáo, đặc biệt là việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các
Nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật này. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn
giáo của người dân được bảo đảm với hàng nghìn lễ hội, hoạt động tín
ngưỡng, tôn giáo hàng năm.
Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc
Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách
pháp nhân. Năm 2016, Ban đại diện Giáo hội các thánh hữu ngày sau của
Chúa Giê-su Kitô (Mormon) đã được công nhận và Phật giáo Hiếu nghĩa Tà
Lơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Tháng 8/2018, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam được cấp đăng ký hoạt
động. Hai tổ chức Tin lành đang được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký. Ngoài
ra, hàng ngàn điểm nhóm Tin lành được bảo đảm sinh hoạt tôn giáo tại các
địa điểm hợp pháp.
Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562 - dương lịch 2018 tại chùa Viên Quang, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam có 60 cơ sở đào tạo tôn giáo, thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin
lành, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Từ năm 2015-2017, Việt Nam đã cho
thành lập mới năm cơ sở đào tạo tôn giáo gồm: Học viện Công giáo, Đại
Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu, Học viện Truyền giáo Cao Đài, Trung
cấp Phật giáo Hòa Hảo, Trường Thánh kinh Thần học Cơ đốc.
TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO HOẠT ĐỘNG
Tính đến năm 2017, tổng diện tích đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng là
14.850ha, thuộc 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo. Thành phố Hồ Chí Minh đã
giao 7.500m2 cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây
dựng Viện Thánh kinh thần học, tỉnh Thừa Thiên-Huế giao 20ha đất cho Học
viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng... Các tổ chức tôn giáo tích
cực tham gia các hoạt động xã hội, thành lập trên 450 cơ sở y tế, 270
trường mầm non, 1000 nhóm, lớp mầm non; hỗ trợ chăm sóc 11.800 đối tượng
bảo trợ xã hội.
Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh
sách và đồ dùng việc đạo. Từ lần rà soát trước đến nay, hơn 3.000 đầu ấn
phẩm tôn giáo đã được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng triệu
đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo.
Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Hoạt động giao lưu,
hợp tác quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng phát triển.
Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ
Phật đản VESAK 2014 và 500 năm Cải chánh đạo Tin lành 2017.
Tự do tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được bảo đảm. Với sự
hỗ trợ của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai xây dựng
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ ( năm 2017).
Tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin
lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm. Tính đến hết
ngày 30/6/2018, tại Tây Bắc, 693 điểm nhóm Tin lành và tám Hội thánh cơ
sở đã được thành lập. Ngoài ra, các địa phương còn có nhiều điểm nhóm
đăng ký sinh hoạt tập trung của người dân tộc thiểu số như Hội Liên hữu
Baptist Việt Nam, Hội thánh Lutheran, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm Việt
Nam và Hội thánh Truyền giảng Phúc âm Việt Nam... Nhà nước cũng hỗ trợ,
trùng tu cơ sở tôn giáo cho người Chăm.
Với phương châm, hành động của Chính phủ trong năm 2019 là: “Kỷ cương,
liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và từ yêu cầu, nhiệm
vụ của công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Thủ tướng
Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị ngành Quản lý nhà nước về
tín ngưỡng, tôn giáo cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao chất lượng
thực hiện công tác nghiệp vụ tôn giáo trong tình hình mới.
Ngành chủ động phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương
trong tham mưu đề xuất Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề tôn
giáo phức tạp. Tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, chủ động hướng
dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các cơ chế diễn đàn tôn giáo thế giới
và khu vực phù hợp với đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)