Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/10/2014 9:5'(GMT+7)

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư với Lào

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng Bùi Quan Vinh cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Cũng như các nước khác, ở giai đoạn phát triển đầu tiên thì mục tiêu thu hút khác. Vì là giai đoạn đầu nên khá dễ dãi để thu hút mạnh các loại dự án đầu tư, kể cả dự án có công nghệ chỉ ở mức trung bình, thậm chí là có công nghệ thấp. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, nhất là trong những năm gần đây, thu hút FDI của Việt Nam đã có chọn lọc hơn, đặt ra yêu cầu là cần phải thu hút các dự án có công nghệ cao hơn, sản phẩm mang tính cạnh tranh hơn, đảm bảo được môi trường.

Cho đến nay sau 25 năm, Việt Nam có trên 17.000 dự án với tổng mức đầu tư trên 242 tỷ USD. Khu vực FDI trong những năm gần đây đóng góp mạnh cho nền kinh tế, nhất là xuất khẩu (chiếm 60-70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam).

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong thu hút FDI, Bộ trưởng Vinh cho biết, điều quan trọng nhất là phải cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Việt Nam tự đánh giá rằng môi trường đầu tư kinh doanh của mình đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, như: chính sách thuế, thủ tục hải quan, vấn đề tiếp cận điện năng, giải quyết về đất đai...

Một điều quan trọng nữa là cần quan tâm bảo vệ cho nhà đầu tư. Khi luật thay đổi, cần phải có  chính sách nhất quán bảo vệ, giữ cho họ những chính sách ưu đãi trước nếu luật pháp ra sau kém ưu đãi hơn, hoặc giai đoạn sau nếu có ưu đãi hơn thì cho phép họ vận dụng, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Yêu cầu lớn nữa là các chính sách phải minh bạch, rõ ràng.

Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa hai luật liên quan đến môi trường đầu tư là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Trong 2 luật này được cải cách hơn rất nhiều, minh bạch hơn rất nhiều. Chẳng hạn như thủ tục để xem xét các dự án giảm rất nhiều, trước đây trong 45 ngày còn bây giờ chỉ xem xét trong 15 ngày.

Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, muốn lựa chọn dự án có chất lượng tốt, Việt Nam đã chủ động chọn những tập đoàn, công ty lớn ở nước ngoài có công nghệ cao, có sản phẩm mình muốn để trực tiếp thu hút, thuyết phục họ đầu tư tại Việt Nam.. Với cách làm như vậy, thời gian qua Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án lớn như Samsung, LG hay các quóc gia khác có chất lượng rất cao.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề trong thực tiễn của Việt Nam mà Lào cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng. Như trong vấn đề phân cấp cho địa phương, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc phân cấp có cái tốt là địa phương chủ động trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nhưng có cản trở là nếu kiểm soát không tốt thì địa phương vì thành tích có thể thu hút các dự án đầu tư công nghệ kém, ô nhiễm môi trường. Một hạn chế nữa là gây ra cạnh tranh giữa các địa phương lẫn nhau về thu hút đầu tư nên dẫn đến làm giảm hiệu quả.

Hay như trong việc xúc tiến đầu tư, trước đây các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư khắp nơi, đi ra nước ngoài nhưng hiệu quả rất thấp. Bởi vì nhà đầu tư đến nghe, xin đầu tư nếu thấy nhiều ưu đãi nhưng nhiều nhà đầu tư không có tiềm lực, dự án kéo dài, hiệu quả không. Thậm chí, có nhà đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi để xin dự án sau đó tìm cách chuyển nhượng lại để lấy lãi, Lào cần tránh vấp ngã này.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc thành lập các khu kinh tế, khu công nghiệp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cần phải phân tích kỹ lợi thế và tập trung đầu tư có trọng điểm. Việc mở các khu công nghiệp tràn lan, địa phương nào cũng mở nên có thể gây chồng chéo, kém hiệu quả, đấy là điều Việt Nam đang phải khắc phục.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lào Bun-pon Bút-tạ-na-vông đánh giá cao những kinh nghiệm mà Việt Nam chia sẻ với Lào. Trong sự phát triển của kinh tế Lào những năm qua, không thể không nhắc đến những đóng góp từ sự giúp đỡ của phía Việt Nam, nhất là từ những kinh nghiệm tốt được áp dụng tại Lào. Phó Thủ tướng Bun-pon Bút-tạ-na-vông mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, tăng cường trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Bộ Kê hoạch và Đầu tư của hai nước để góp phần phát triển kinh tế và tình hữu nghị 2 nước Việt Nam - Lào./.

Theo Anh Đức/ kinh tế và dự báo
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất