Thứ Sáu, 7/6/2013 10:52'(GMT+7)
Việt Nam chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của WEF
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc Hội nghị lần này đặt trọng tâm
vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn phù hợp và rất đúng
thời điểm.
Tối 6/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Naypyidaw, Myanmar về nước, kết thúc thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2013 (WEF Đông Á 2013).
Trong thời gian tại Thủ đô Naypyidaw, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chương trình hoạt động dày đặc: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2013; gặp Tổng thống Myanmar Thein Sein; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
Tại Hội nghị WEF Đông Á 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc toàn thể, nhấn mạnh vai trò then chốt của hội nhập quốc tế ở các tầng nấc khác nhau và sự phối hợp chính sách giữa các nước đối với sự phát triển của mỗi quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn phù hợp và rất đúng thời điểm. Đó là do sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quá trình này và sự cấp thiết phải có những bước đi mạnh mẽ để giúp mỗi quốc gia và cả khu vực vượt qua khó khăn thách thức, đạt được mục tiêu chung đã đề ra, đặc biệt trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực Đông Á đang phát triển năng động, là nơi tập trung những nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi với xu thế chủ đạo là hợp tác liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, cùng phát triển, cùng có lợi. Đó là cơ hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực đổi mới, tự hoàn thiện và thích ứng với môi trường hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thời đại toàn cầu hoá, cùng với các nỗ lực ở cấp độ quốc gia, điều kiện đủ để các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng, xoá đói giảm nghèo và trở thành một nước công nghiệp hiện đại là: Môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; tự do lưu thông thương mại và đầu tư thông qua liên kết kinh tế và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới. Vì vậy, tiến trình hội nhập quốc tế đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến một cấu phần không thể thiếu của quá trình này đó là nỗ lực tăng cường kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước lục địa ASEAN hay khu vực Mekong, trong đó có việc hình thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia. Từ năm 1998, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, các nước trong khu vực đã triển khai xây dựng một loạt các tuyến hành lang kinh tế với mục tiêu thúc đẩy giao lưu thương mại giữa các quốc gia, tăng tính cạnh tranh của khu vực, phát triển hạ tầng cơ sở và tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng sâu, vùng xa. Các tuyến hành lang này cũng sẽ là cầu nối gắn kết giữa khu vực Nam Á, Trung Á với Đông Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào có tham vọng mở rộng thị trường không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, để tuyến hành lang đáp ứng mong đợi của chúng ta và thực sự trở thành hành lang kinh tế thịnh vượng, bên cạnh cố gắng của chính phủ các nước thì sự ủng hộ của các đối tác phát triển và tham gia của khu vực tư nhân là không thể thiếu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương dọc tuyến hành lang vì lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng và của cả khu vực. Đồng thời khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại cùng doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện và tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia dọc hành lang và các đối tác phát triển tăng cường hơn nữa sự hợp tác nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của hành lang; tin tưởng Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực
Chuyến đi tham dự WEF Đông Á 2013 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành công tốt đẹp đã khẳng định sự tích cực trong tham gia các hoạt động của WEF nói riêng và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nói chung của Việt Nam, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF.
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WEF. Năm 2010, đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan. Hiện Việt Nam có 13 tập đoàn, tổng công ty lớn là thành viên của WEF.
Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn)