Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 11/1/2018 11:54'(GMT+7)

Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DP)

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DP)

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện "Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018". Chủ trì Hội thảo là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio.

Tham dự Hội thảo có 250 đại biểu trong nước và quốc tế từ các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương, tổ chức quốc tế, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề, trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin về hội thảo.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ: Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường. Trong bối cảnh ấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mãnh mẽ tới cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động của các quốc gia. Trong khi đó ở Việt Nam "nhìn chung mô hình tăng trưởng về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp" (Nghị Quyết số 05-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ IV khóa XII) .

Tốc độ tăng trưởng kinh tế có nguy cơ theo xu hướng chậm lại và chất lượng tăng trưởng thấp. Đại hội XII của Đảng đã xác định: "Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững".

Hội thảo quốc tế về vấn đề "Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa" được tổ chức nhằm đánh giá về điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng suất của Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp cụ thể giúp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế sản xuất tiềm năng và nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó góp phần vào thành công của "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018".

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, nhìn tổng thể cải thiện năng suất, không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp TFP và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất, đó chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh nỗ lực, phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa nhanh chóng, tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam đang ngày càng sâu rộng. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Chỉ ra các cơ hội và thách thức ở Việt Nam để cải thiện năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp - TFP; Làm thế nào để chuyển dịch nền kinh tế từ tăng trưởng dựa trên vốn, lao động, tài nguyên sang tăng trưởng dựa trên năng suất và sáng tạo; và Giải pháp nào để tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tổ tổng hợp - TFP ở nước ta trong ngắn hạn và dài hạn.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận sâu sắc. GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ có bài tham luận về chủ đề Làm thế nào để tránh bẫy thu nhập trung bình: cải cách chính sách công nghiệp nhằm tăng năng suất. Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra những chính sách của chính phủ nhằm cải thiện năng suất của Việt Nam trong thời gian tới. Đồng mục tiêu đó, GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS), Nhật Bản cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tăng năng suất đối với Chính phủ Việt Nam.

Các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề: Điểm lại những hạn chế hiện tại của mô hình tăng trưởng dựa trên vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên; Việt Nam đang nằm ở vị trí nào trong chuỗi giá trị toàn cầu; Cơ hội và thách thức cho đột phá năng suất dựa trên sáng tạo và công nghệ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và cách mạng công nghiệp 4.0. Liệu Việt Nam có thể tránh bẫy thu nhập trung bình; Các cải cách chính sách để thúc đẩy tăng trưởng năng suất: những gì đã đạt được và những gì cần phải làm trong trung và dài hạn. Làm thế nào để các ngành kinh tế của Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh thông qua nâng cao năng suất - Sáng tạo không thể đạt được nếu thiếu sự thay đổi cách nghĩ và phân tích thấu đáo - Liệu các doanh nghiệp nhà nước có thể cổ phần hóa khi không cải thiện năng suất và “Kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao năng suất".

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn: Trên cơ sở các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại các phiên thảo luận của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo, Ban Kinh tế Trung ương đã tổng hợp được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực từ Hội thảo này, giúp công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế xã hội nói chung và cải thiện năng suất của Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa hiện nay./.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất