Chủ Nhật, 24/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 20/9/2012 22:13'(GMT+7)

Việt Nam coi trọng giáo dục vì phát triển bền vững

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa giáo dục môi trường ở trường học. (Nguồn: TTXVN)

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa giáo dục môi trường ở trường học. (Nguồn: TTXVN)

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai thập kỷ giáo dục phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá cao trong việc xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động quốc gia.

Tại Hội nghị, Ủy ban thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững đã ra mắt các ủy viên của ủy ban (theo Quyết định 873/QĐ-Ttg ngày 16/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ) đồng thời kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia cho giai đoạn hai của thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững và đề ra một số định hướng lớn cho hoạt động của ủy ban từ nay đến năm 2014 là năm kết thúc thập kỷ.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về trách nhiệm của ủy ban trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững với các nội dung: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển bền vững; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tin và truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phát triển bền vững; tăng cường sự tham gia của các tổ chức đoàn thể; lồng ghép nội dung giáo dục về phát triển bền vững vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục và đào tạo.

Giai đoạn 2005 - 2014 được Liên hợp quốc chọn làm thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững với mục đích chung là thúc đẩy giáo dục với vai trò là nền tảng cho một xã hội bền vững hơn và lồng ghép nội dung của phát triển bền vững vào hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp, nhằm khuyến khích sự thay đổi trong cách ứng xử để có được một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, có thể dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng lớn đến việc xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, dạy và học vì một tương lai bền vững là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất