Trong các ngày 11 - 12/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự
cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp dự Hội nghị thường niên Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB), gọi tắt là Cuộc gặp
ALG, và có chuyến thăm, làm việc tại Indonesia.
Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Phạm
Vinh Quang đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia về sự
kiện quan trọng này.
- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự cuộc gặp ALG lần này?
Đại sứ Phạm Vinh Quang: Cuộc gặp
ALG và dự Phiên họp toàn thể IMF-WB trong chuyến thăm làm việc Indonesia
lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa rất quan
trọng trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang có nhiều biến động với sự gia
tăng của chủ nghĩa bảo hộ, là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết và tinh thần
trách nhiệm của Việt Nam đóng góp vào việc duy trì sự phát triển năng
động, bền vững, gắn kết trong ASEAN.
Sự tham dự và những đóng góp của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tại Cuộc gặp ALG, Họp thường
niên IMF-WB là sự nối tiếp những nỗ lực của Việt Nam từ trước tới nay
trong các nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu cho các mục tiêu thúc đẩy
phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thực hiện Chương trình Nghị sự
2030 về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Đồng thời, điều đó còn khẳng định vai trò thành viên tích cực, chủ động
và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN; thể hiện sự coi trọng của
Việt Nam đối với các thể chế đa phương toàn cầu lớn nhất thế giới và đối
với nước chủ nhà Indonesia; qua đó phát huy vai trò tích cực và góp
phần nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Với chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng
cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn
cầu”, lãnh đạo các nước ASEAN dự kiến sẽ tập trung trao đổi về ý tưởng,
định hướng, biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN với các tổ
chức quốc tế khác như Liên hợp quốc, IMF, WB, tạo động lực thúc đẩy
tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trong sự gắn kết với Chương trình
Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với những nội dung
trao đổi thiết thực, tập trung vào các đề xuất cụ thể, khả thi, mang
tính bền vững sẽ là sự ủng hộ to lớn đóng góp vào thành công tốt đẹp của
cuộc gặp.
- Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác Việt Nam-Indonesia và triển vọng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?
Đại sứ Phạm Vinh Quang: Indonesia
là nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống, một trong những
đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Hơn thế nữa, quan hệ giữa
Indonesia và Việt Nam còn có sự kết nối tình cảm giữa hai nhà lãnh tụ Hồ
Chí Minh-Soekarno, những người bạn thân thiết, người anh em trong đại
gia đình Đông Nam Á.
Chuyến thăm làm việc tại Indonesia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc là minh chứng khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với vai trò
và vị thế của Indonesia ở khu vực và trên thế giới, thể hiện mong muốn
của Việt Nam cùng phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước thành viên
khác trong xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, đoàn kết,
phát triển thịnh vượng và tăng trưởng bền vững.
Tuy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia mới được thiết lập 5
năm, nhưng hai nước đã có gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với
nhiều thành tựu về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại,
đầu tư, hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân.
Trong 5 năm qua, hai nước đã tận dụng và triển khai tốt Chương trình
Hành động 2014-2018, ký Chương trình Hành động 2019-2023 nhân chuyến
thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Joko Widodo
với nhiều định hướng lớn cho sự phát triển quan hệ song phương bền vững
cho 5 năm tiếp theo, hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác
chiến lược.
Thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, các cơ chế hợp tác song
phương cùng với sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng gia tăng,
các lĩnh vực hợp tác khác giữa Việt Nam và Indonesia cũng phát triển
tích cực.
Hai nước quyết tâm phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ
USD trong thời gian sớm nhất và mục tiêu 220.000 lượt khách du lịch hai
chiều vào năm 2023 (so với mức 70.000 lượt khách Indonesia đến Việt Nam
và 50.000 lượt khách Việt Nam đến Indonesia mỗi năm).
Hiện nay, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến mới nhanh
chóng, phức tạp. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh, cọ xát lợi ích chiến
lược. Một số quốc gia đã và đang có ý định ngừng cam kết thúc đẩy tự do
hóa thương mại, trào lưu bảo hộ kinh tế và thị trường nội địa gia tăng,
hệ luỵ chưa thể tính hết từ Brexit và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam và Indonesia gia tăng hợp tác, cùng
nhau đoàn kết biến thách thức thành cơ hội để xây dựng một ASEAN vững
mạnh và đoàn kết, góp phần tích cực giải quyết hòa bình các xung đột,
xây dựng một cơ chế hợp tác hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh ổn định khu
vực, thúc đẩy tự do hóa thương mại và phát triển kinh tế thịnh vượng là
nhu cầu tất yếu.
Bên cạnh duy trì và thúc đẩy quan hệ chính thức phát triển tốt đẹp, Việt
Nam và Indonesia là những người bạn láng giềng luôn chia sẻ, động viên
nhau vào những thời điểm khó khăn như thảm họa, thiên tai...
Với quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo hai nước, Việt Nam và
Indonesia đã và đang từng bước vượt các khó khăn thách thức, sát cánh
bên nhau đưa quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả, đem
lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước, góp phần quan trọng vào
việc củng cố tinh thần đoàn kết và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN
trong tất cả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, định hình.
- Trân trọng cám ơn Đại sứ!./.
(TTXVN)