1- CÙNG CHUNG HOÀN CẢNH LỊCH SỬ, VIỆT NAM VÀ CUBA ĐÃ KHẮC GHI NHỮNG TRANG SỬ VẺ VANG TRONG CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC. TINH THẦN CÁCH MẠNG BẤT KHUẤT VÀ LÒNG YÊU NƯỚC SÂU SẮC CỦA NHÂN DÂN HAI NƯỚC VIỆT NAM - CUBA ĐÃ TẠO NÊN MỐI LIÊN KẾT ĐẶC BIỆT GIỮA HAI DÂN TỘC.
Dù cách xa về địa lý, Việt Nam và Cuba luôn chia sẻ nét tương đồng trong những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của hai dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: “Hai nước chúng ta đối lập nhau về mặt địa lý nhưng lại có sự đồng nhất hoàn toàn về mặt đạo đức”(1).
Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc để giành và bảo vệ nền độc lập là một chương quan trọng trong lịch sử của cả Việt Nam và Cuba. Hai dân tộc đã cùng phải trải qua những cuộc kháng chiến gian khổ, kéo dài nhiều thập niên để giành lại độc lập, tự do dân tộc. Trong khi Việt Nam đối mặt với cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, kéo dài từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1954, thì nhân dân Cuba cũng thực hiện cuộc cách mạng chống chế độ độc tài Batista. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Việt Nam không chỉ là một cuộc đấu tranh vũ trang đơn thuần, mà còn là một quá trình đấu tranh toàn diện trên các mặt trận chính trị, kinh tế và văn hóa. Từ các cuộc khởi nghĩa đầu tiên, như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, đến phong trào Đông Du, Duy Tân và cuối cùng là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 - tất cả đều là những bước tiến quan trọng trong hành trình giải phóng dân tộc. Đỉnh cao của cuộc kháng chiến này chính là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (ngày 7-5-1954), mở ra một giai đoạn mới cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz, giành thắng lợi vào ngày 1-1-1959. Sự kiện này không chỉ đánh dấu việc lật đổ chế độ độc tài Batista, mà còn là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử khu vực Mỹ La-tinh và thế giới. Cuộc cách mạng Cuba đã thể hiện sức mạnh của một phong trào cách mạng được nhân dân ủng hộ rộng rãi, từ nông dân, công nhân đến đội ngũ trí thức. Chiến thắng này đã mang lại hy vọng và niềm tin cho các phong trào cách mạng trên toàn thế giới.
Trong những năm 60 của thế kỷ XX, cả Việt Nam và Cuba đều đứng trước những thách thức to lớn trong quá trình bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước. Thời điểm đó, nhân dân Việt Nam phải tập trung sức lực thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam. Miền Bắc nhanh chóng tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân để trở thành hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng lúc ấy, ở phía bên kia địa cầu, sau thành công của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ năm 1959, nhân dân Cuba cũng phải đối mặt với thách thức không kém phần gay gắt đến từ bên ngoài.
Lòng yêu nước, tinh thần quật cường của nhân dân hai nước là yếu tố quyết định thành công của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Cuba đều thể hiện tình yêu nước nồng nàn và ý chí không khuất phục trước bất kỳ cuộc xâm lược nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ; vừa là một khẩu hiệu, vừa là một lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị cao quý nhất mà một dân tộc cần bảo vệ bằng mọi giá. Tại Cuba, tinh thần bất khuất của nhân dân Cuba được thể hiện mạnh mẽ qua khẩu hiệu nổi tiếng của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz: “Patria o Muerte” (“Tổ quốc hay là chết”). Đây là quyết tâm son sắt của nhân dân Cuba sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mạng, để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.
Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản tại cả hai nước, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro Ruz, đã đóng góp quyết định vào thắng lợi của hai cuộc cách mạng. “Mục tiêu của cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”(2) là một trong những luận điểm quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và con đường cách mạng. Lãnh tụ Fidel Castro Ruz từng tuyên bố: “Cách mạng phải vững chắc. Cách mạng phải mạnh mẽ. Cách mạng không phải là sự nghiệp của một ngày hay một năm; mà là từ nay tới mãi mãi. Đó là sự nghiệp vĩnh cửu, mà trong đó nhân tố chính là nhân dân, là những người lao động”(3). Tư tưởng lớn của hai nhà lãnh đạo vĩ đại đã dẫn dắt nhân dân hai nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành và giữ vững độc lập, tự do.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại, là một nhà tư tưởng lỗi lạc, định hướng cho cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Tầm nhìn chiến lược, phong cách lãnh đạo gần gũi, dân chủ của Người đã truyền cảm hứng cho các thế hệ Việt Nam và các nhà cách mạng trên toàn thế giới. Người chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4). Tại Cuba, Lãnh tụ Fidel Castro Ruz cũng thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc trong cuộc cách mạng Cuba và quá trình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Lãnh tụ Fidel Castro Ruz nhấn mạnh: “Đấu tranh vì hòa bình là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người, bất kể tôn giáo, nguồn gốc, màu da và lứa tuổi”(5). Ông không chỉ lãnh đạo cuộc cách mạng thành công, mà còn kiến tạo nên một Cuba độc lập, tự chủ. Tầm nhìn chiến lược của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz đã góp phần quan trọng khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc và đối phó với thách thức từ bên ngoài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro Ruz là hai nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng vượt ngoài biên giới quốc gia, trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập tại mỗi đất nước, cũng như nguồn cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Tư tưởng và hành động của hai vị lãnh tụ đã góp phần định hình lại bản đồ chính trị thế giới trong thế kỷ XX, nhất là ở các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh lịch sử đầy thử thách, Việt Nam và Cuba dù cách xa nhau nửa vòng Trái đất đã trở nên vô cùng gần gũi trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ nền độc lập, tự do và quyền tự quyết của dân tộc. Tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của hai dân tộc đã tạo nên một mối liên kết sâu sắc, vượt qua trở ngại về khoảng cách địa lý và những khác biệt về văn hóa. Đồng chí Tố Hữu từng viết: “Tình hữu nghị và đoàn kết chiến đấu anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cu-ba đời đời bền vững!”(6). Đây chính là lời khẳng định tình hữu nghị son sắt, thủy chung, trước sau như một giữa hai nước Việt Nam - Cuba nói chung, nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba nói riêng.
Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Cuba được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro Ruz gieo mầm và thúc đẩy, đã trở thành biểu tượng đẹp của tình đoàn kết quốc tế trong thế kỷ XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Fidel Castro Ruz đều là các chiến sĩ tiên phong mở đường và dẫn đường trong cuộc đấu tranh vì phẩm giá con người, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa thực dân, chống áp bức, bất công. Sự tương đồng về tư tưởng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro Ruz đã tạo nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Cuba, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào đoàn kết quốc tế trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro Ruz - hai nhà lãnh đạo với tầm nhìn xa, trông rộng - đã sớm nhận thấy giá trị của sự gắn kết giữa các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do. Hai vị lãnh tụ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết quốc tế, không chỉ giữa Việt Nam và Cuba, mà còn giữa tất cả các quốc gia đang đấu tranh cho độc lập, tự do trên toàn thế giới; không chỉ chia sẻ những lý tưởng cao đẹp, mà còn thể hiện sự ủng hộ thiết thực đối với cách mạng hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo và trân trọng những bước tiến của cách mạng Cuba, trong khi Tổng Tư lệnh Fidel Castro Ruz xem cuộc kháng chiến của Việt Nam như một nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba. Sự tương đồng đặc biệt này đã mở đường cho các cuộc gặp gỡ và hợp tác giữa hai quốc gia trong những năm tháng sau đó.
Một minh chứng cho tình đoàn kết sâu sắc này là chuyến thăm lịch sử của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị vào năm 1973, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt chân đến vùng đất đang phải gánh chịu nhiều bom đạn của Việt Nam. Trong dịp này, Lãnh tụ Fidel Castro Ruz đã nhấn mạnh: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Hành động và lời nói của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ và là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết không gì lay chuyển giữa hai dân tộc. Sự hiện diện của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz trên chiến trường Việt Nam đã trở thành một biểu tượng, đánh dấu sự gắn bó sâu sắc giữa hai quốc gia trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của hai dân tộc.
Sự tương đồng về tư tưởng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro Ruz đã tạo nên sự kết nối giữa hai con người và sợi dây gắn kết tinh thần chiến đấu, niềm tin bất diệt vào chiến thắng của hai dân tộc, tác động sâu rộng, góp phần định hình mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Cuba, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, trở thành hình mẫu cho tinh thần đoàn kết quốc tế, lan tỏa rộng khắp trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, thắp sáng ngọn lửa hy vọng cho các dân tộc đang đấu tranh vì tự do và công lý. Đó cũng là biểu tượng đẹp nhất của tình đoàn kết Việt Nam - Cuba.
Sự ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc đã trở thành một tấm gương về tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, chân thành và bền vững, vượt qua mọi ranh giới địa lý cũng như thách thức của thời cuộc. Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của Việt Nam, Cuba luôn bên cạnh với sự ủng hộ mạnh mẽ cả về vật chất và tinh thần. Những tuyên bố đầy xúc động của Lãnh tụ Fidel Castro Ruz: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, “Trong cuộc chiến đấu mới này, Việt Nam cần gì đã có Cuba bên cạnh”(7) đã trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn cho quân và dân Việt Nam. Giai đoạn những năm 60 của thế kỷ XX, dù còn nhiều khó khăn về kinh tế do bị bao vây, cấm vận, Chính phủ và nhân dân Cuba vẫn dành cho Việt Nam sự ủng hộ chân thành, không toan tính cả về vật chất và tinh thần. Cuba đã cử nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế sang hỗ trợ, giúp đỡ điều trị cho các thương binh và người dân bị nạn của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cử chuyên gia cầu đường sang tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, giúp đào tạo hơn 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học. Các tàu thuyền Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam. Trên mặt trận ngoại giao, Cuba giúp vận động các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Năm 1973, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, bao gồm Khách sạn Thắng Lợi tại Thủ đô Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ(8).
Việt Nam cũng luôn dành tình cảm chân thành, khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ Cuba là lương tâm và trách nhiệm của những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam; là đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam thủy chung với đồng chí, bạn bè. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nhân dân ta kiên quyết đứng bên cạnh nhân dân Cuba anh em”(9). Nhân dân Việt Nam đã quyên góp ủng hộ 50.000 tấn gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác(10), góp phần giúp nhân dân Cuba vượt qua thời kỳ khó khăn đặc biệt trong những năm 90 của thế kỷ XX. Nhiều dự án viện trợ, hợp tác được triển khai, như giúp Cuba sản xuất lúa gạo, từng bước bảo đảm an ninh lương thực. Trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, tiếng nói của Việt Nam luôn vang lên mạnh mẽ, bảo vệ quyền độc lập, tự chủ của Cuba, yêu cầu gỡ bỏ các lệnh bao vây, cấm vận đơn phương và phi lý chống Cuba.
Quan hệ Việt Nam - Cuba không chỉ là một mối quan hệ ngoại giao thông thường, mà đã trở thành một biểu tượng của sự thủy chung, trong sáng, hiếm có giữa các quốc gia trên thế giới. Từ giai đoạn kháng chiến đến thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, hai dân tộc vẫn luôn sát cánh bên nhau, cùng chia sẻ lý tưởng và nguyện vọng xây dựng một thế giới hòa bình, độc lập và thịnh vượng. Đây là một minh chứng sống động cho sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, một tấm gương sáng về tình hữu nghị chân thành, bền vững giữa các dân tộc, được tôi luyện qua thử thách của lịch sử và thời gian. Sự gắn bó, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã tạo nên một mối quan hệ đặc biệt hiếm có trên trường quốc tế, một tình hữu nghị vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời đại.
2- PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG GẮN BÓ, THỦY CHUNG GIỮA HAI NƯỚC, HAI DÂN TỘC, TRONG NHỮNG NĂM QUA, QUAN HỆ HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - CUBA KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC CỦNG CỐ, THÚC ĐẨY VÀ PHÁT TRIỂN TRÊN MỌI LĨNH VỰC. HAI BÊN PHỐI HỢP CHẶT CHẼ, ỦNG HỘ LẪN NHAU TRÊN CÁC DIỄN ĐÀN ĐA PHƯƠNG KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ.
Về chính trị - ngoại giao, quan hệ gắn bó, tin cậy giữa hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố. Mối quan hệ đặc biệt không có tiền lệ Việt Nam - Cuba không chỉ được thúc đẩy qua các kênh song phương, mà còn trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam - Cuba được thể hiện rõ nét qua các chuyến thăm cấp cao thường xuyên của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có: Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz thăm chính thức Việt Nam (tháng 10-2022); Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez thăm Việt Nam và tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm nhân chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 9-2023); đồng chí Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Cuba Roberto Morales Ojeda thăm Việt Nam, tham dự Hội thảo lý luận lần thứ V giữa hai Đảng (tháng 5-2023); Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm chính thức Cuba (tháng 4-2024)... Mỗi chuyến thăm là dịp để hai bên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Đảng, lãnh đạo, quản lý và phát triển đất nước, qua đó củng cố quan hệ đoàn kết, truyền thống, hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước. Các hoạt động đối ngoại cấp cao đã góp phần quan trọng củng cố, phát triển mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia, tạo động lực cho hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, Việt Nam và Cuba duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc. Việt Nam tích cực thúc đẩy, hỗ trợ Cuba ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC, tháng 11-2020); ủng hộ Cuba ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023. Cuba ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây đã có những bước tiến quan trọng. Đặc biệt là, Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba được ký kết vào tháng 11-2018, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-4-2020, là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác, nâng cao kim ngạch thương mại trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại khu vực châu Á, với các mặt hàng xuất khẩu chính sang Cuba là gạo, than đá, thiết bị điện tử, điện gia dụng, quần áo, giày dép; các mặt hàng nhập khẩu từ Cuba chủ yếu là dược phẩm, nguyên liệu sản xuất trong ngành dược. Trong giai đoạn năm 2019 trở về trước, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai nước luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng ở mức trên 20%/năm. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong các năm 2020, năm 2021, năm 2022 giảm nhẹ, lần lượt đạt 178,5 triệu USD, 261,7 triệu USD và 182 triệu USD(11). Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 134,7 triệu USD, tăng 187% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 133,36 triệu USD, tăng 184,3% và nhập khẩu 1,33 triệu USD từ Cuba(12). Có thể thấy, mặc dù phải đối mặt với thách thức về khoảng cách địa lý, hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Cuba vẫn không ngừng phát triển.
Về hợp tác đầu tư, đến nay, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Cuba tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thúc đẩy các dự án đầu tư tại Cuba, như các dự án đầu tư/liên doanh của Tổng Công ty Viglacera, Công ty Thái Bình và Công ty Agri VMA tại ZED Mariel,... Hiện nay, mặc dù còn khó khăn từ sự khác biệt về cơ chế giữa hai nước, tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới, song các dự án này vẫn được duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 7 dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại ZED Mariel trong các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bột giặt, bỉm tã lót, năng lượng mặt trời, thức ăn chăn nuôi và sản xuất lúa gạo; góp phần cung cấp hàng hóa cho thị trường Cuba và tạo việc làm cho người dân địa phương. Phía Cuba cũng luôn sẵn sàng tạo điều kiện ưu tiên cho nhà đầu tư Việt Nam.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Cuba đã xây dựng mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi. Việt Nam hỗ trợ Cuba về kỹ thuật trồng lúa, ngô và cải tiến công nghệ canh tác, góp phần nâng cao năng suất nông nghiệp của Cuba, trong đó có thể kể đến dự án hợp tác hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo quy mô hộ gia đình giai đoạn 2011 - 2015 với tổng số vốn đầu tư 43 triệu USD đã đạt kết quả tích cực. Về phía Cuba, với thế mạnh trong canh tác mía, cà phê và thuốc lá, Cuba đã hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam phát triển các ngành này. Hiện nay, trên cơ sở dự án phát triển sản xuất lúa gạo giai đoạn 2019 - 2023, hai nước tiếp tục triển khai dự án sản xuất lúa gạo giai đoạn mở rộng 2023 - 2025. Bên cạnh đó, hoàn tất thủ tục để triển khai các dự án hợp tác nuôi trồng thủy sản, sản xuất ngô tại Cuba...
Trên lĩnh vực y tế, hai nước đã chia sẻ cho nhau thành tựu nghiên cứu khoa học y tế, đặc biệt là về vaccine. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã gửi sang Cuba nhiều thuốc men và hàng hóa quan trọng phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Cuba đã gửi cho Việt Nam nhiều loại thuốc được sản xuất với dây chuyền công nghệ cao và hàng triệu liều vaccine do Cuba sản xuất. Không chỉ vậy, là một quốc gia có nền y học tiên tiến, Cuba góp phần to lớn đào tạo đội ngũ bác sĩ cho Việt Nam và cung cấp các loại thuốc chữa bệnh hiệu quả(13). Trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm, Cuba đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng như các loại thuốc đặc trị. Những dự án nghiên cứu chung giữa hai nước không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho ngành y tế Việt Nam, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế.
Trong tương lai, Việt Nam và Cuba có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mới mà hai bên có thế mạnh và có nhu cầu, như công nghiệp, nông nghiệp, chế biến lương thực - thực phẩm, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, phát triển công nghệ xanh, công nghệ sinh học, dược phẩm, dịch vụ y tế, xây dựng, du lịch,… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của hai nước và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Trên nền tảng vững chắc của tình hữu nghị sâu sắc và lịch sử lâu đời, quan hệ Việt Nam - Cuba sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm theo lời mời của đồng chí Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez (từ ngày 25 đến 26-9-2024) có ý nghĩa lịch sử đối với triển vọng hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Cuba. Chuyến thăm thể hiện sự tiếp nối mối quan hệ đoàn kết, truyền thống, thủy chung, trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em. Đây là hoạt động đối ngoại hết sức quan trọng giữa hai nước, khẳng định sự coi trọng và tình cảm bạn bè thân thiết của Việt Nam đối với Cuba, sẵn sàng đồng hành, hợp tác, cùng phát triển với Cuba để không ngừng củng cố, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Cuba./.
Ngô Lê Văn
Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
(tapchicongsan.org.vn)
____________________________________
(1) Việt Hùng: “Báo Granma: Mặt Trời không bao giờ lặn dưới lá cờ Cách mạng”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 4-9-2024, https://www.vietnamplus.vn/bao-granma-mat-troi-khong-bao-gio-lan-duoi-la-co-cach-mang-post974127.vnp
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, t. 1, tr. IX
(3) Xem: “Những tuyên bố thể hiện tư tưởng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro”, Tạp chí Tuyên giáo, ngày 3-12-2016, https://www.tuyengiao.vn/nhung-tuyen-bo-the-hien-tu-tuong-cua-lanh-tu-cuba-fidel-castro-92573
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, t. 12, tr. 30
(5) Xem: “Những tuyên bố thể hiện tư tưởng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro”, Tlđd
(6) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, 2005, t. 39, tr. 494
(7) Xem: “Cuba đã giúp đỡ Việt Nam như thế nào?”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 22-11-2017, https://ct.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/cuba-da-giup-do-viet-nam-nhu-the-nao-521839
(8) Xem: “Cuba đã giúp đỡ Việt Nam như thế nào?”, Tlđd
(9) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, 2006, t. 43, tr. 145
(10) Xem: “Cuba đã giúp đỡ Việt Nam như thế nào?”, Tlđd
(11) Mai Phương: “Tiếp tục củng cố quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Cuba”, TTXVN/Vietnam+, ngày 12-4-2024, https://baotintuc.vn/thoi-su/tiep-tuc-cung-co-quan-he-truyen-thong-tot-dep-viet-nam-cuba-20240412074139356.htm