Thứ Tư, 27/2/2013 21:24'(GMT+7)
Việt Nam đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
Ngày 27/2 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo quốc tế
về công nghệ sinh học Việt Nam - Ấn Độ với sự tham dự của đông đảo các
nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ
của hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội
thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nêu rõ, Chính phủ
Việt Nam luôn coi công nghệ sinh học là một trong bốn lĩnh vực khoa học
và công nghệ được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước. Việt Nam đã ban hành những chính sách để đẩy mạnh phát
triển và ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối ưu, bảo vệ và
phát triển nguồn tài nguyên sinh vật của đất nước, phục vụ phát triển
nông – lâm – ngư nghiệp bền vững, bảo vệ sức khỏe của con người và
môi trường sống, qua đó phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh,
Chính phủ Việt Nam đã xác định Ấn Độ là đối tác chiến lược trong hợp tác
quốc tế về nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học và bày tỏ mong
muốn, Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học của hai nước trao đổi,
thảo luận nhằm xác định ra các vấn đề hợp tác cùng phát triển trong
tương lai.
Hội thảo nhận định, công nghệ sinh học được
coi là ngành công nghệ mũi nhọn của thế kỷ 21. Các thành tựu công nghệ
sinh học được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và đem lại nguồn lợi lớn cho
nhiều quốc gia trong các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, thực phẩm, nhiên
liệu mới, năng lượng sinh học sạch. Công nghệ sinh học giúp cuộc sống
con người trở nên an toàn hơn, bền vững hơn… Việt Nam và Ấn Độ có nhiều
đặc điểm phát triển kinh tế dựa nhiều và nền tảng nông nghiệp, vì vậy
công nghệ sinh học sẽ đóng vai trò quan trọng, là chìa khóa tạo nên
những đột phá để hình thành nền “công nghiệp xanh” của cả hai nước.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận những vấn đề cụ
thể, nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học của hai nước, trong đó
tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thực phẩm, môi trường… như
công nghệ gen nhằm cải tiến sức chịu hạn, chịu mặn của cây trồng thích
nghi với biến đổi khí hậu, nghiên cứu và phát triển công nghệ tạo ra các
loại có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở vùng Mê Kông, ứng
dụng của công nghệ sinh học trên vắc xin, nghiên cứu về khiếm khuyết của
gen đối với ung thư và các bệnh về não, nghiên cứu phát triển công nghệ
sinh học trong bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu…
Hội thảo làm việc đến hết ngày 28/2./.
Bích Thủy (TTXVN)