Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 27/2/2009 17:1'(GMT+7)

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ASEAN

 Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 (HNCC ASEAN 14) sẽ được tổ chức tại Chạ Am-Hủa Hin, Thái Lan, từ ngày 28/2 đến 01/3/2009 với sự tham dự  của lãnh đạo 10 nước ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 có chủ đề: “Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN”. Theo đó, Lãnh đạo các nước ASEAN dự kiến sẽ bàn phương hướng và biện pháp gia tăng hợp tác ASEAN, tập trung vào các vấn đề: Triển khai Hiến chương ASEAN; Đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; Khủng hoảng tài chính toàn cầu; An ninh lương thực và năng lượng; Quản lý và giảm nhẹ thiên tai; Quan hệ đối ngoại của ASEAN. Ngoài ra, các vị Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi ý kiến về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 diễn ra trong lúc ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng và hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN đã có hiệu lực từ ngày 15/12/2008. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ASEAN đang phải đối phó với không ít thách thức, nhất là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Cấp cao ASEAN-14 có ý nghĩa quan trọng vì đây là Cấp cao đầu tiên sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực và ASEAN đang đẩy nhanh thực hiện các chương trình/kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; đồng thời gửi đi tín hiệu mạnh mẽ là ASEAN tiếp tục đẩy mạnh tiến trình liên kết khu vực và đóng vai trò quan trọng ở khu vực mặc dù có những biến động lớn ở khu vực và quốc tế, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế.

 Tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này. Bên cạnh các phiên họp chính thức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng Lãnh đạo các nước ASEAN khác tham dự các phiên đối thoại và gặp gỡ không chính thức với Liên minh các Nghị viện ASEAN, đại diện thanh niên ASEAN và các tổ chức xã hội dân sự.

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN-14, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng sẽ có một số hoạt động song phương khác.

Mục tiêu chung của đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này là tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam; góp phần tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, đảm bảo vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; thúc đẩy hơn nữa liên kết nội khối ASEAN, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai Hiến chương ASEAN; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (viết tắt ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực. Khi mới thành lập ASEAN gồm 5 nước là: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Đến nay, ASEAN đã có 10 thành viên, trở thành khu vực mạnh và có tiềm năng nhất trên thế giới.

ASEAN có diện tích hơn 4.5 triệu km2 với dân số khoảng 575 triệu người; GDP khoảng 1281 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu 750 tỷ USD. Các nước ASEAN có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và hiện nay đang đứng hàng đầu thế giới về cung cấp một số nguyên liệu cơ bản như: cao su (90% sản lượng cao su thế giới); thiếc và dầu thực vật (90%), gỗ xẻ (60%), gỗ súc (50%), cũng như gạo, đường dầu thô, dứa... Công nghiệp của các nước thành viên ASEAN cũng đang trên đà phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực: dệt, hàng điện tử, hàng dầu, các loại hàng tiêu dùng. Những sản phẩm này được xuất khẩu với khối lượng lớn và đang thâm nhập một cách nhanh chóng vào các thị trường thế giới. ASEAN là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các khu vực khác trên thế giới, và được coi là tổ chức khu vực thành công nhất của các nước đang phát triển.

Ở các nước ASEAN đang diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá. Nhờ chính sách kinh tế “hướng ngoại”, nền ngoại thương ASEAN đã phát triển nhanh chóng, tăng gần năm lần  trong 20 năm qua, đạt trên 160 tỷ USD vào đầu những năm 1990 (nay là 750 tỷ USD). ASEAN cũng là khu vực ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư của thế giới. Nếu năm 2005, tổng số vốn đầu tư mà ASEAN thu hút được tăng 16,9% so với năm 2004, thì năm 2006, tổng số vốn đầu tư đã tăng 27,5%.

 Hoạt động của Việt Nam trong ASEAN

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 tại Brunei và lần đầu tiên tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 và các Hội nghị liên quan (Brunei, 2-3/8/1995) với tư cách thành viên đầy đủ. Trước đó, tháng 7/1992, Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (Hiệp ước Bali) và trở thành quan sát viên của ASEAN. Từ năm 1993, Việt Nam đã tham gia các chương trình và dự án hợp tác ASEAN trên 5 lĩnh vực: khoa học-công nghệ, môi trường, y tế, văn hoá-thông tin, phát triển xã hội. Việt Nam cũng tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những nước sáng lập Diễn đàn này.

Trong 13 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của Hiệp hội, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước; củng cố xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những đóng góp cụ thể của Việt Nam có thể kể đến là: tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN-6 tại Hà Nội (12/1998), giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế trong lúc Hiệp hội đang ở thời điểm khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997, nhất là việc hoàn tất ý tưởng một ASEAN-10; thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Từ tháng 7/2000 – 7/2001, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ủy ban Thường trực ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 34 (AMM-34) và các Hội nghị liên quan. Các Bộ/ngành của Việt Nam cũng đăng cai nhiều Hội nghị cấp Bộ trưởng và cấp Quan chức cao cấp (SOM) về kinh tế và hợp tác chuyên ngành. Việt Nam cũng đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPO) tháng 9/2002... ”.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định hợp tác ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam; và chúng ta cần tham gia hợp tác ASEAN theo phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Năm 2010, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò trong ASEAN, hỗ trợ tích cực cho việc triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất