Từ ngày 17-21/9, tại Vienna (Áo) diễn ra Khóa họp Đại hội đồng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lần thứ 56.
Bên lề kỳ họp, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, người dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp trên về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng hạt nhân.
Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết trong 10 năm gần đây, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia, IAEA đã viện trợ cho Việt Nam tổng số tiền trung bình khoảng 1 triệu đôla Mỹ/năm dùng để mua sắm thiết bị, thuê chuyên gia và đào tạo cán bộ.
Đối với công tác nghiên cứu triển khai ứng dụng năng lượng hạt nhân, thời gian qua IAEA đã hỗ trợ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu triển khai thuộc nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân.
Dự án lớn nhất của IAEA là Nâng cấp Hệ điều khiển Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã góp phần thực hiện chiến lược dài hạn của ngành hạt nhân Việt Nam là tiếp tục vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với công năng như hiện nay tối thiểu đến năm 2015 và đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình Điện hạt nhân.
Các dự án của IAEA đã và đang hỗ trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật phân tích hạt nhân. Các phòng thí nghiệm phân tích hạt nhân đã được thành lập tại Đà Lạt; Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, phục vụ công tác phân tích bao gồm phân tích cấu trúc vật liệu; phân tích thành phần một số nguyên tố trong kim loại; phân tích các mẫu môi trường để xác định ô nhiễm môi trường; phân tích các độc tố trong nước và thực phẩm; phân tích dư lượng thuốc trừ sâu; phân tích các đồng vị phóng xạ trong tự nhiên và do tác động công nghiệp.
Trong công nghiệp, IAEA đã đang giúp đỡ xây dựng Phòng thí nghiệm kiểm tra không phá hủy ở Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng thí nghiệm đánh dấu đồng vị phóng xạ nghiên cứu về pha khí trong sản xuất công nghiệp tại Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp ở Đà Lạt, Phòng thí nghiệm tại Trung tâm đánh giá không phá hủy ở Hà Nội nhằm ứng dụng trong công nghiệp, xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân tiên tiến trong việc kiểm tra bộ trao đổi nhiệt của các nhà máy nhiệt điện hiện tại và phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân của đất nước trong tương lai.
Trong nông nghiệp, IAEA đã giúp đỡ Việt Nam nghiên cứu và triển khai các giống lúa đột biến có năng suất cao, thích nghi với điều kiện kiện khí hậu thời tiết khác nhau, thích hợp với vùng đất phèn mặn vùng ven biển.
Thông qua dự án thực hiện tại Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ sở khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, IAEA đang giúp đỡ Việt Nam ứng dụng kỹ thuật hạt nhân kết hợp trong việc nâng cao năng suất và chất lượng giống lúa đột biến với mục tiêu Gây đột biến tạo nguồn vật liệu di truyền phong phú từ các nguồn gen lúa thơm đặc sản, chất lượng đặc biệt của Việt Nam, chọn lọc và phát triển các giống đột biến có chất lượng đặc biệt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Trong y tế, các dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA từ nhiều năm được thực hiện chủ yếu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã giúp Việt Nam xây dựng và mở rộng mạng lưới các khoa y học hạt nhân tại các bệnh viện trong phạm vi cả nước phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh.
Với các dự án thực hiện trong những năm gần đây, IAEA đã hỗ trợ cho việc xây dựng và hoạt động 2 Trung tâm PET-Cyclotron tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ chẩn đoán và điều trị trong y tế, đồng thời phục vụ triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia có trình độ cao. Hoạt động của dự án được mở rộng, gắn liền với việc xây dựng Trung tâm PET/CT-Cyclotron tại Bệnh viện Kiên Giang và Trung tâm PET/CT-Cyclotron tại Bệnh viện Đà Nẵng thông qua việc cung cấp một số trang thiết bị phụ trợ, cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cán bộ.
Đối với hợp tác giữa Việt Nam và IAEA liên quan tới chương trình Điện hạt nhân của Việt Nam, ông Nguyễn Quân cho biết một dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân đã được IAEA hỗ trợ thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu: Đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng cho phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; Xác định các giải pháp cho phát triển cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân tại Việt Nam; và đầu tư một số hạng mục quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng như đào tạo nhân lực, trang thiết bị cho đào tạo…/.
(TTXVN)