Nhân dịp tham dự Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia
của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV trong khuôn
khổ Khoá họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ
trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng đoàn Việt Nam, ngày 27/9 đã
tham dự và phát biểu khai mạc cuộc toạ đàm quốc tế “Tích hợp giáo dục
nhân quyền vào hệ thống giáo dục: Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực
tiễn”.
Sự kiện do Việt Nam, Philippines, Australia và Italy đồng bảo trợ tổ
chức, với sự điều hành của Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn
thường trực Việt Nam, và sự tham gia các diễn giả là chuyên gia, đại
diện của Việt Nam, Philippines, Australia và Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền
Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc sự kiện
nhân dịp kỷ niệm 30 năm Thập kỷ Giáo dục Quyền con người và 20 năm
Chương trình giáo dục quyền con người thế giới (WPHRE) được Liên hợp
quốc thông qua, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh cộng đồng quốc tế đạt
được nhiều thành tựu trong thúc đẩy giáo dục quyền con người, trong đó
có công tác trọng tâm là đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống các
trường học.
Thứ trưởng cho rằng các nước, các tổ chức quốc tế đã có
nhiều kinh nghiệm, cách làm phong phú, hiệu quả, phủ rộng giáo dục nhân
quyền trong hệ thống trường học các cấp và hệ thống giáo dục thường
xuyên, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, sinh viên trong việc xây dựng
chương trình học về quyền con người. Các nước, các tổ chức quốc tế cũng
đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khuôn khổ song phương,
đa phương về vấn đề này. Dù vậy, thực tế việc chia sẻ kinh nghiệm trong
công tác này còn cần được thúc đẩy hơn nữa; ví dụ như việc chưa nhiều
nước cung cấp thông tin cho Chương trình WPHRE. Các nước và các bên liên
quan cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam chia sẻ với các nước rằng
giáo dục quyền con người là một công cụ hữu hiệu giúp người dân bảo đảm
được quyền của mình, tăng cường tôn trọng và hiểu biết trong xã hội, và
đó cũng chính là góp phần thực hiện quyền giáo dục. Việt Nam cũng đã có
những nỗ lực trong lĩnh vực này, trong đó có đề án “Đưa nội dung giáo
dục quyền con người vào các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc
dân”. Một trong những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên của
Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc 2023-2025 chính là thúc đẩy quyền
giáo dục và giáo dục quyền con người. Vì vậy, Việt Nam mong muốn cùng
các nước đồng bảo trợ Toạ đàm để tạo thêm diễn đàn cho các nước chia sẻ
kinh nghiệm, đóng góp vào việc chuẩn bị thực hiện giai đoạn 5 của Chương
trình WPHRE (2025-2029).
Cũng tại sự kiện, TS. Lê Xuân Tùng, giảng viên chính Viện Quyền
con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã chia sẻ việc
triển khai Đề án 1309 về đưa nội dung quyền con người vào chương trình
giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam với một số kết
quả nổi bật như: tổ chức các khoá tập huấn quyền con người cho tất cả
các giáo viên, giảng viên trong hệ thống giáo dục quốc dân; biên soạn và
xuất bản tài liệu giáo dục quyền con người; xây dựng khung nội dung
quyền con người cho giáo dục phổ thông; đưa nội dung quyền con người vào
các chương trình giáo dục phổ thông từ bậc mầm non đến bậc đại học;
giáo dục quyền con người cho các nhà lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ
thống chính trị thông qua chương trình cao cấp lý luận chính trị và đẩy
mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục quyền con người, trong đó nổi bật là
quan hệ đối tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban
Quyền con người Australia.
Trong khi đó, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia và khu vực đã chia
sẻ những thực tiễn tốt nhất và bài học kinh nghiệm trong việc lồng ghép
giáo dục nhân quyền vào chương trình giảng dạy tại các trường học. Nhiều
nước chia sẻ về các kinh nghiệm phong phú về lồng ghép nội dung quyền
con người vào các môn giáo dục công dân, giáo dục xã hội ở các cấp học
phổ thông; đồng thời triển khai các chuyên đề giáo dục quyền dành riêng
cho một số đối tượng như trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số, người thực
thi công vụ.
Các đại biểu cũng đề cao yêu cầu có sự tham gia, phối hợp
tích cực toàn diện của nhà trường, gia đình, xã hội và các bên liên
quan trong giáo dục nhân quyền cho trẻ em. Điều phối viên giáo dục và
đào tạo nhân quyền, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR),
bà Elena Ippoliti, chia sẻ phương pháp tiếp cận toàn diện đối với giáo
dục nhân quyền là sự tổng hoà của 5 cấu phần: xây dựng chính sách; các
biện pháp thực hiện chính sách; quá trình và công cụ dạy và học; giáo
dục và phát triển chuyên môn của giáo viên và các nhân viên giáo dục
khác và môi trường học tập.
Phát biểu kết luận, Đại sứ Mai Phan Dũng cho rằng những trao đổi tại
toạ đàm đã đóng góp một cách có ý nghĩa cho việc xác định thách thức và
cơ hội trong việc tích hợp giáo dục nhân quyền vào các hệ thống giáo dục
quốc gia, hỗ trợ các nước tiếp tục thực hiện Chương trình thế giới về
giáo dục nhân quyền (WPHRE)./.
TTXVN