Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 20/9/2022 14:5'(GMT+7)

Việt Nam khẳng định vị thế đối tác tin cậy của Liên hợp quốc

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cách đây đúng 45 năm (ngày 20/9/1977-20/9/2022), Việt Nam đã chính thức gia nhập ngôi nhà chung Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Trong suốt chặng đường đồng hành cùng Liên hợp quốc gần nửa thế kỷ, Việt Nam luôn được đánh giá là thành viên hết sức tích cực, chủ động, có khả năng gánh vác nhiều trọng trách lớn, với nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển.

Đề cập những đóng góp của Việt Nam trong việc thực hiện vai trò trung tâm của Liên hợp quốc về quản trị toàn cầu, xử lý các thách thức chung của cộng đồng quốc tế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định "Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của Liên hợp quốc."

Trong buổi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New York hồi tháng Năm vừa qua, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cũng khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và là người bạn của Liên hợp quốc.

Việt Nam đóng góp vào thực hiện các sứ mệnh của Liên hợp quốc thông qua những sáng kiến, đề xuất đưa ra trong 2 lần đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vai trò thành viên các tổ chức thuộc Liên hợp quốc.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu, Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm; cùng với Đức khởi xướng và trở thành nước sáng lập Nhóm Bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ra mắt cuối tháng 6/2021.

Hiện Việt Nam đang là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế; thành viên của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023; thành viên của Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); thành viên của Hội đồng khai thác Bưu chính thế giới (POC) nhiệm kỳ 2022-2025.

Từ giữa tháng Chín này, Việt Nam đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trong những phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 và đảm nhiệm vị trí này trong vòng 1 năm.

Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực đối với công việc chung của Liên hợp quốc. Bà Amina Mohammed cũng đề cao việc Việt Nam tham gia có trách nhiệm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và nỗ lực thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng.

Cùng chung nhận định trên, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 Abdulla Shahid và Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của Liên hợp quốc, đặc biệt là tích cực thúc đẩy thực hiện các cam kết toàn cầu như triển khai các SDG và ứng phó với biến đổi khí hậu, mang lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Sau chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội đầu tháng Tám vừa qua, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký về hành động vì khí hậu Selwin Hart cho biết ông đã tận mắt chứng kiến sự nghiêm túc và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

Việt Nam còn thể hiện vai trò một thành viên trách nhiệm tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Trong 3 năm thực hiện nhiệm vụ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế ủng hộ, trong đó có thúc đẩy quyền của các nhóm yếu thế, chống biến đổi khí hậu, được hơn 100 quốc gia đồng tình.

Tại cuộc gặp Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp thường kỳ lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva tháng Bảy vừa qua, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đánh giá cao các thành tựu kinh tế, xã hội, tạo nền tảng cho việc nâng cao đời sống, bảo đảm các quyền cho người dân Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian đại dịch và phục hồi sau dịch. Bà nhất trí với các ưu tiên của Việt Nam về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương trước tác động biến đổi khí hậu.

Chính việc luôn nỗ lực thúc đẩy các chương trình nghị sự nhằm bảo vệ các nhóm yếu thế tại Liên hợp quốc, cũng như đặt ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, chống bạo lực và phân biệt đối xử về giới khi triển khai chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đã giúp Việt Nam tích lũy đủ về lượng, tạo thành động lực để Việt Nam tiếp tục ứng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Viet Nam khang dinh vi the doi tac tin cay cua Lien hop quoc hinh anh 2
Chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Moskva, chuyên gia Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học Á-Âu (Nga) khẳng định: "Việt Nam thực sự đang nỗ lực đáng kể để kết hợp những nỗ lực của mình với cộng đồng quốc tế, kể cả trong lĩnh vực môi trường, vấn đề bảo vệ quyền con người.

Chúng tôi đã thấy những thành công của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực này. Thế giới đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam một lần nữa ứng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc."

Một dấu ấn quan trọng nữa của Việt Nam trong quá trình đồng hành cùng Liên hợp quốc là sự tham gia tích cực trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc kể từ năm 2014. Sau hơn 8 năm chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã triển khai thành công hơn 500 cán bộ, chiến sỹ tới các phái bộ gìn giữ hòa bình và trụ sở Liên hợp quốc.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai thành công 3 khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng theo chương trình Đối tác 3 bên giữa Việt Nam-Liên hợp quốc-Nhật Bản, được lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá rất cao. Không chỉ cử có quân đội mà hiện Bộ Công an Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cử các sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã cảm ơn sự hợp tác của Việt Nam với Liên hợp quốc trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; đồng thời đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các binh sỹ Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn.

Trong khi đó, ông Jean-Pierre Archambault, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt, cho rằng trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo trong khuôn khổ Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ông nhấn mạnh thành tựu này của Việt Nam rõ ràng là không thể phủ nhận.

Trong Điện mừng gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân 77 năm Quốc khánh Việt Nam vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung trong xử lý các thách thức toàn cầu như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xóa đói nghèo, bất bình đẳng, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Thư ký Guterres bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng Liên hợp quốc chung tay vượt qua các thách thức nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng và hòa bình hơn. Sự tín nhiệm của các nước cùng thực tế phát triển của Việt Nam sẽ là cơ sở và động lực để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế đối tác quan trọng, đáng tin cậy của Liên hợp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong chặng đường tiếp theo./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất